Theo số liệu thống kê từ Hải quan Việt Nam, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu điều tăng 18% so với năm 2022, đạt 3,6 tỷ USD, nhưng vẫn chưa bằng con số của năm 2021. Năm 2024, xuất khẩu hạt điều đạt 730 nghìn tấn, trị giá 4,37 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 20,2% về trị giá so với năm 2023. Đây cũng là kỷ lục mới của ngành hàng này.
Ông Trần Hữu Hậu – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam đã đánh giá, trong năm qua, mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn về mùa vụ và thị trường, tuy nhiên, nhân điều xuất khẩu vẫn nằm trong nhóm 7 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu trên 3 tỷ USD của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 4,37 tỷ USD, tăng 20,2% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với năm 2023. Việt Nam tiếp tục là quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới (năm thứ 18 liên tiếp) và chiếm trên 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu của toàn cầu.
Về thị trường, Hoa Kỳ là một trong những thị trường tiêu thụ hạt điều lớn nhất của Việt Nam, dự báo năm 2025 với nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm đồ ăn vặt lành mạnh, giàu dinh dưỡng đang gia tăng mạnh mẽ, đây tiếp tục là thị trường chính cho hạt điều Việt Nam trong năm 2025. Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) mang lại cơ hội lớn cho hạt điều để thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu nhờ vào các được lợi về thuế quan. Trong đó, Đức là quốc gia tiêu thụ hạt điều lớn nhất. Nhu cầu về hạt điều làm đồ ăn nhẹ ở Đức theo mùa, tăng cao vào mùa đông và giảm nhẹ mùa hè. Bên cạnh đó, hạt điều ngày càng được sử dụng nhiều trong ngành thực phẩm và đồ uống. Tiêu thụ hạt điều tăng lên do xu hướng ăn vặt lành mạnh ngày càng tăng. Việc sử dụng hạt điều trong thành phần các loại bơ phết và thanh ăn nhẹ ngày càng cao (đặc biệt là sản phẩm hữu cơ). Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục là một đối tác quan trọng nhưng cần chú trọng về kiểm soát chất lượng và tuân thủ các quy định ngày càng khát khe từ phía quốc gia này. Ấn Độ, dù là nhà sản xuất hạt điều lớn, cũng là một khách hàng tiềm năng do nhu cầu nhập khẩu điều thô để chế biến và tái xuất.
Xu hướng tiêu dùng thực phẩm lành mạnh đang mở ra nhiều triển vọng cho hạt điều. Sản phẩm này được người tiêu dùng quốc tế ưa chuộng nhờ vào giá trị dinh dưỡng cao và tính đa dạng trong chế biến. Hơn nữa, Việt Nam có lợi thế lớn nhờ vào hệ thống nhà máy chế biến hiện đại và kỹ thuật tiên tiến. Tuy nhiên, để duy trì được vị trí dẫn đầu, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO, và truy xuất nguồn gốc.
Để khai thác tối đa tiềm năng xuất khẩu, ngành điều Việt Nam cần áp dụng nhiều chiến lược cải thiện. Như đầu tư vào chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt để nâng cao giá trị cạnh tranh. Việc mở rộng thị trường mới, đặc biệt tại Trung Đông, Nhật Bản, và Hàn Quốc, cũng là một hướng đi quan trọng. Ngoài ra, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng như bơ điều, sữa điều, và các loại hạt điều chế biến sẵn sẽ giúp đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Ứng dụng công nghệ trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc là giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả và đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Theo dự báo, thị trường hạt điều toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022 - 2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao, trong đó có hạt điều... Đây sẽ là cơ hội tốt để ngành điều Việt Nam tăng tốc xuất khẩu hơn nữa trong thời gian tới.