Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát và vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, tác động không nhỏ đến nền kinh tế Trung Quốc. Trước tình hình đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đã có các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh cũng như kích thích và khôi phục nền kinh tế và sản xuất trong nước.
1. Ngân hàng Nhân dân (Ngân hàng Trung ương) Trung Quốc ngày 02/02/2020 đưa ra những biện pháp ứng phó nhanh với tình hình dịch bệnh thực hiện từ ngày 03/02/2020 như: giảm lãi suất đối với hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 2,5% xuống còn 2,4% và kỳ hạn 14 ngày từ 2,65% xuống còn 2,55%; triển khai gói tài chính trị giá 1.200 tỷ NDT (khoảng 171,27 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ thông qua các hợp đồng mua lại trái phiếu (Reverse-repurchase Agreement)[1]; đưa ra khoản vay đặc biệt trị giá 300 tỷ NDT (khoảng 42,68 tỷ USD) với lãi suất thấp để cung cấp tài chính cho các ngân hàng quy mô toàn quốc và các ngân hàng tại 10 địa phương trọng điểm, trong đó có Hồ Bắc.
- Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia cùng Bộ Công nghiệp và Thông tin, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng hỗ trợ vay vốn đối với 876 doanh nghiệp trọng điểm cấp quốc gia và 1.082 doanh nghiệp trọng điểm cấp địa phương.
2. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18 tháng 2 đưa ra thông báo[2] về các biện pháp ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, ổn định ngoại thương, ổn định đầu tư nước ngoài và kích thích tiêu dùng, khuyến khích doanh nghiệp khôi phục sản xuất, cụ thể như :
- Khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu vật tư y tế và nông sản trong nước đang khan hiếm;
- Tích cực phối hợp với các nước láng giềng thúc đẩy thương mại biên giới; khuyến khích tiêu dùng trên mạng, nâng cao năng lực thương mại hàng nông sản trên các trang thương mại điện tử, triển khai các hoạt động kích cầu qua mạng, khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử, chuyển phát nhanh hợp tác với các cửa hàng, trung tâm thương mại, khu dân cư để tạo thành chuỗi phục vụ giao nhận liên hoàn; Khuyến khích phát triển các dịch vụ giao nhận không tiếp xúc, giao hàng tại các điểm cố định,…
- Về đầu tư nước ngoài, Bộ Thương mại Trung Quốc chú trọng tăng cường các biện pháp giúp ổn định lòng tin của doanh nghiệp FDI như đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phát huy vai trò của cơ chế khiếu nại đối với doanh nghiệp nước ngoài; Đảm bảo đáp ứng các dịch vụ phục vụ các dự án đầu tư nước ngoài lớn tại Trung Quốc, đổi mới hình thức thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như thông qua hội nghị trực tuyến, hội đàm qua mạng, ký hợp đồng qua mạng…; tăng cường giám sát các động thái từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…
Hiện nay, đã có 480.000 doanh nghiệp trung ương trực thuộc Ủy ban giám sát quản lý vốn nhà nước Quốc vụ viện (tức Chính phủ) của Trung Quốc khôi phục sản xuất, tỷ lệ khôi phục đạt 91,7%; các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực hóa dầu, thông tin viễn thông, điện lực, giao thông vận tải,... đạt tỷ lệ khôi phục sản xuất vượt trên 95%, có một số lĩnh vực đạt tỷ lện 100%. Tại nhiều địa phương Trung Quốc, tỷ lệ khôi phục sản xuất và dịch vụ lên tới trên 90% như Thâm Quyến, Hồ Nam, Chiết Giang; một số khác tỷ lệ khôi phục cũng lên trên 70% như Giang Tô, Sơn Đông, Phúc Kiến, Liêu Ninh, Quảng Đông và Giang Tây./.