Tình trạng lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã trở nên trầm trọng hơn trong những tháng qua, nhất là chi phí thực phẩm và năng lượng, bởi nỗi lo thiếu nguồn cung năng lượng từ Nga và hoạt động sản xuất lương thực bị gián đoạn trong khi chuỗi cung ứng tiếp tục đối mặt các thách thức liên quan đến cuộc xung đột tại Ucraina và dịch bệnh... Ngoài cung cấp gần 30% lúa mì, Ukraina và Nga cũng xuất khẩu khoảng 20% ngô và khoảng 76% dầu hướng dương của thế giới.
(Chi phí thực phẩm ở các nước châu Âu ngày càng tăng cao do lạm phát)
Theo báo cáo do Cơ quan thống kê dữ liệu Eurostat của Liên Minh châu ÂU (EU) công bố ngày 1/7, thì giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng Euro tăng 8,6% trong tháng 6. Trong lĩnh vực thực phẩm, bột mỳ tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước, lên 52,3%. Nhiều loại thực phẩm khác cũng tăng cao, như: giá sữa tăng 31,3%; giá đường tăng 25%, giá trứng tăng 14,2%, giá thịt lợn tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến này đang tạo cơ hội cho nông sản châu Á nói chung và nông sản Việt Nam nói riêng có thể tăng xuất khẩu vào thị trường này. Cụ thể, trước đây Anh nhập khẩu nông sản chủ yếu từ Ucraina (lúa mỳ…) nhưng khi xảy ra cuộc xung đột Nga – Ucraina Anh có thể chuyển hướng sang nhập nông sản từ một số thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để gạo Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường Anh.
Đối với mặt hàng thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thủy sản tại châu Âu đang tăng giá do xung đột giữa Nga và Ukraine cùng những đòn cấm vận thương mại gần đây gây ra tình trạng gián đoạn, thậm chí đứt gãy nhiều tuyến thương mại quan trọng của châu Âu.
Cá minh thái Alaska của Nga sang Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách sản phẩm bị cấm xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Giá cá ngừ tại thị trường châu Âu cũng tăng vọt do giá xăng dầu tăng mạnh đã làm tăng chi phí hoạt động của tàu khai thác và vận chuyển cá ngừ. Giá tôm, giá cá hồi đang tiếp tục tăng kể từ đầu năm 2022 nhờ thị trường phục hồi trong khi nguồn cung hạn hẹp.
VASEP nhận định, việc thiếu hụt nguồn cung các loại thủy sản ở EU đang tạo “cơ hội vàng” để sản phẩm cá tra Việt Nam tăng thị phần ở 2 thị trường này.
Nếu trước đây, giá cá tra bình quân xuất khẩu đi châu Âu chỉ đạt 2,7 USD/kg, thì trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu sang khu vực này đạt bình quân 3,45 USD/kg.
Giá cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ còn tăng mạnh hơn, đã lên tới mức 4,5 USD/kg, cao nhất từ trước tới nay, trong khi trước đây cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ thường chỉ đạt 2,9-3,1 USD/kg.
Về mặt hàng rau quả, theo ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu, trong tất cả nhóm hàng, rau củ quả là nhóm hàng có dư địa lớn nhất. Mỗi năm, thị trường châu Âu nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang châu Âu chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với thị phần châu Âu đang nhập khẩu. Các sản phẩm nước ép trái cây, nước ép đông lạnh đang được ưa chuộng tại châu Âu, bởi người dân khu vực này đang có xu hướng tiêu dùng xanh và có nhu cầu cao với thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, sản phẩm thực vật để thay thế sản phẩm động vật.
Vừa qua, các doanh nghiệp quy mô lớn, có công nghệ sản xuất hiện đại đã làm tốt công tác chế biến sản phẩm để thâm nhập thị trường châu Âu. Đối với sản phẩm chế biến, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận thị trường châu Âu bằng sản phẩm rau củ quả đông lạnh, đóng lon….