Theo số liệu thống kê, trong 5 năm gần đây (giai đoạn 2018-2022), xuất khẩu gạo duy trì khối lượng xuất khẩu trên 6 triệu tấn, và có xu hướng tăng trưởng qua các năm với giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm. Năm 2022, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 7,1 triệu tấn (tăng 16,3% so với năm 2018), giá trị xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2018).
Tháng 6 năm 2023, xuất khẩu gạo ước đạt 650 nghìn tấn với giá trị 383 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, so với quý II năm 2022, Philippin là thị trường lớn nhất nhập khẩu gạo với Việt Nam, với 1,69 triệu tấn, thu về 857,67 triệu USD, tăng 4,56% về lượng và 12,99% về trị giá. Trung Quốc, Indonesia là hai thị trường đứng thứ 2 và thứ 3, với kim ngạch lần lượt là 228,20 triệu USD và 16,22 triệu USD. Tổng 3 thị trường chiếm 66,12% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới.
Nhìn chung, so với quý II năm 2022, hầu hết các thị trường đều có sự tăng trưởng lớn về kim ngạch, đáng kể như Indonexia (gấp 15 lần, đạt kim ngạch 244,06 triệu USD), Đài Loan (+179,97%, đạt kim ngạch 12,68 triệu USD), Trung Quốc (+71,77%, đạt kim ngạch 390,61 triệu USD),…Đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ và Chi Lê là hai thị trường có sự tăng trưởng 4 con số, tuy kim ngạch chưa cao nhưng dự báo là thị trường tiềm năng trong thời gian tới.
Năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo 6,5-6,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD. Nhu cầu nhập khẩu gạo để tăng cường dự trữ lương thực của các thị trường lớn sẽ mở ra nhiều triển vọng cho xuất khẩu gạo Việt Nam.