| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Thặng dư thương mại đạt 3,6 tỷ USD trong tháng 1 năm 2023

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 25,08 tỷ USD, nhập khẩu đạt 21,48 tỷ USD. Với kết quả này, cán cân thương mại thặng dư 3,6 tỷ USD…

Dự báo năm 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Dự báo năm 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Cụ thể, về xuất khẩu, trong tháng 1/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 6,44 tỷ USD, giảm 18%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,64 tỷ USD, giảm 12%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 giảm 21,3%, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước giảm 27,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 19%.

Trong tháng 1/2023 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu tháng 01/2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu tháng 01/2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 01/2023, hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 258 triệu USD, chiếm 1%; hàng công nghiệp chế biến ước đạt 22,32 tỷ USD, chiếm 89%; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 7,6%; hàng thủy sản ước đạt 0,6 tỷ USD, chiếm 2,4%.

Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 7,48 tỷ USD, giảm 26,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD, giảm 18,1%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 giảm 28,9%, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước giảm 25,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 30,4%.

Trong tháng 01/2023 có 3 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm tỷ trọng 37,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Trị giá một số mặt hàng nhập khẩu tháng 01/2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Trị giá một số mặt hàng nhập khẩu tháng 01/2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 01/2023, hàng tư liệu sản xuất đạt 19,97 tỷ USD, chiếm 93%, trong đó hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 41,1%; hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 51,9%. Hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 1,51 tỷ USD, chiếm 7%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD. Tháng 01/2023 xuất siêu sang EU ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 100 triệu USD giảm 65,3%; nhập siêu từ Trung Quốc 3,4 tỷ USD, giảm 52,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 2,5 tỷ USD, giảm 20,9%; nhập siêu từ ASEAN 1,3 tỷ USD, tăng 74,3%.

Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hoá chủ yếu tháng 01/2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hoá chủ yếu tháng 01/2023.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Như vậy, với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.

Đánh giá về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023, Tổng cục Thống kê cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế có thể phải đối mặt với lạm phát và thực trạng suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, với thực trạng xu hướng xuất, nhập khẩu của quý 4/2022 đã có dấu hiệu suy giảm, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu bị sụt giảm đơn hàng, dẫn tới cả nhập khẩu và xuất khẩu đều sụt giảm. Dự báo năm 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Theo đánh giá gần nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng toàn cầu sẽ chững lại trong năm 2023, do đó, sẽ ảnh hưởng đến tất cả các thị trường nhập khẩu. Những lợi thế về thị trường trong quý 4/2022 và quý 1/2023 sẽ không còn vì lạm phát đã "ngấm sâu" vào các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới, dự báo xuất khẩu trong quý 1/2023 sẽ bị sụt giảm. Việc Trung Quốc mở cửa lại sau đại dịch COVID-19 cũng sẽ là thách thức đối với các nhà sản xuất trong nước.

Nhận định từ Bộ Công Thương cũng cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiểm soát lạm phát của các quốc gia nhập khẩu, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, với việc thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực cũng sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu trong năm 2023.

Vneconomy

Nội dung liên quan