Gạo là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang thị trường Bờ Biển Ngà do nước này có nhu cầu tiêu dùng gạo khá cao (khoảng 1 triệu tấn/năm) trong khi khả năng tự cung gạo trong ngắn và trung hạn là khó thực hiện.
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Trong thời gian qua, Việt Nam xuất khẩu khá tốt mặt hàng gạo sang Bờ Biển Ngà và dự kiến trong thời gian tới, gạo vẫn tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của ta sang Bờ Biển Ngà do thị hiếu tiêu dùng của người dân đã quen với gạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác như dệt may, chất dẻo nguyên liệu, máy vi tính, sản phẩm điện tử linh kiện, sắt thép, linh kiện phụ tùng và săm lốp ô tô… của Việt Nam vẫn tiếp tục được ưa chuộng tại quốc gia này. Hơn nữa, một số mặt hàng xuất khẩu tuy có giá trị nhỏ nhưng lại có kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục như hải sản, bánh kẹo, hạt tiêu, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng, túi xách, vali, mũ, ô dù...
Đối với nhập khẩu, không chỉ là nhà cung ứng chính điều nguyên liệu cho Việt Nam, Bờ Biển Ngà có thể cung ứng nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào khác với giá cả và chất lượng cạnh tranh như: bông, gỗ, sắt thép phế liệu và cao su, nguyên liệu thức ăn gia súc và nhiều mặt hàng khác.
Hiện nay, tồn tại những lo ngại nếu đầu tư nhà máy điều tại Bờ Biển Ngà sẽ ảnh hưởng tới ngành điều trong nước. Tuy nhiên, ta cần phân biệt rõ giữa đầu tư nhà máy và chuyển giao công nghệ sản xuất mặt hàng điều. Hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam chỉ xây dựng nhà máy chế biến điều nguyên liệu để xuất khẩu về Việt Nam. Nếu doanh nghiệp đầu tư sản xuất, quản lý và không chuyển giao thì nguy cơ ảnh hưởng đối với ngành điều trong nước không nhiều. Nguy cơ đối với ngành điều chỉ thực sự hiện hữu nếu ta chuyển giao công nghệ chế biến điều nhân cho phía bạn. Hiện nay, Bờ Biển Ngà cung cấp cho Việt Nam xấp xỉ 45% tổng nhập khẩu điều nguyên liệu.
Các mặt hàng máy tính, linh kiện, điện thoại, mũ, túi xách, nông sản chế biến… có thể tiêu thụ tốt tại thị trường này.
Tóm lại, thị trường Bờ Biển Ngà có rất nhiều tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Lãnh đạo Bạn rất quan tâm phát triển hợp tác với Việt Nam. Một chiến lược tiếp cận thị trường hợp lý sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp của ta trong thời gian tới.