Trong bối cảnh khó khăn chung, vẫn có những điểm sáng ở một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch tăng trưởng ấn tượng.
Từ đầu năm đến 15/12, có 3 nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm ngoái từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Rau quả; phương tiện vận tải và phụ tùng; gạo, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan.
Cụ thể, xuất khẩu rau quả đạt 5,38 tỷ USD tăng 2,2 tỷ USD (tương đương tăng 69,2%).
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí số 1 với kim ngạch đạt hơn 3,4 tỷ USD (tính hết tháng 11), tăng tới 149% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 2 tỷ USD) và chiếm khoảng 65,4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của các nước.
Phương tiện vận tải và phụ tùng có kim ngạch tăng trưởng nhiều thứ hai. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 13,24 tỷ USD tăng 1,82 tỷ USD (tương đương tăng 15,94%).
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của nhóm hàng này là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Với mặt hàng gạo, từ đầu năm đến 15/12, cả nước xuất khẩu hơn 7,93 triệu tấn, kim ngạch gần 4,54 tỷ USD, tăng 15,4% về lượng (tương đương tăng hơn 1 triệu tấn), tăng gần 36% về kim ngạch (tương đương tăng 1,2 tỷ USD) so với cùng kỳ 2022.
ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 4,58 triệu tấn (tính hết tháng 11), tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Trung Quốc đạt 896 nghìn tấn, tăng 10,9%.
Tính chung lượng gạo xuất sang 2 thị trường đạt 5,48 triệu tấn, chiếm tới 72% lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.
Từ đầu năm đến 15/12, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 337,62 tỷ USD, giảm 5,2% (tương ứng giảm 18,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.