Thông qua Kế hoạch hành động ưu tiên được sửa đổi và đẩy nhanh nhằm phục hồi kinh tế, Chính phủ Senegal có tham vọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 5,2% vào năm 2021.
Trong phiên họp của Hội đồng Tổng thống về phục hồi kinh tế mới đây, Tổng thống Macky Sall nhấn mạnh Senegal phải lấy lại mức tăng trưởng 5,2% năm 2021, 7,2% năm 2022 và lần đầu tiên đạt mức hai con số (13,7%) kể từ 2023 với triển vọng đi vào khai thác dầu khí. Sự tăng trưởng này sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng của các lĩnh vực nông nghiệp (+4,7%), công nghiệp (+5,5%) và dịch vụ (+4,8%).
Lĩnh vực nông nghiệp (gồm nông nghiệp, đánh bắt cá và trong một tỷ trọng thấp hơn là chăn nuôi) sẽ góp phần 0,7% vào tăng trưởng năm 2021. Senegal sẽ tập trung nỗ lực vào việc đẩy mạnh sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp và làm vườn, thúc đẩy hệ thống nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu trước mắt là tăng cường sản xuất các loại cây trồng chính như lúa, hành, khoai tây, lạc, lúa miến, đại mạch và các sản phẩm làm vườn.
Tình hình ngoại thương Senegal 8 tháng đầu năm 2020
Trong tháng 8/2020, xuất khẩu của Senegal ước đạt 270 triệu USD, giảm 11,8% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do giảm xuất khẩu các loài giáp xác, nhuyễn thể và trai (-46,5%), cá biển tươi (-38,8%) và vàng phi tiền tệ (-29,9%). Tuy nhiên, sự tăng xuất khẩu axit phốtphorích đã giúp giảm nhẹ xu hướng này. So với tháng 8/2019, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 8,8%. Lũy kế đến cuối tháng 8/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của Senegal đã đạt 2,4 tỷ USD, giảm 1,0% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu chính trong tháng 8/2020 gồm vàng phi tiền tệ (67 triệu USD), sản phẩm dầu lửa (32 triệu USD), Axit phốt pho rích (28,6 triệu USD), cá biển tươi (19,9 triệu USD) và titan (13,3 triệu USD).
Các khách hàng chính của Senegal là Thụy Sĩ (chiếm 13,7% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia Tây Phi này), Ấn Độ (12,9%), Mali (9,9%), Australia (9,6%) và Hoa Kỳ (5,2%).
Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 8/2020 của Senegal đạt 526 triệu USD, giảm 10,6% so với tháng trước đó. Nguyên nhân là do giảm mua phân bón (-57,8%), máy móc (-22,9%) và các sản phẩm dầu lửa thành phẩm (-18,7%) cũng như không nhập khẩu dầu thô. Tuy nhiên, Senegal lại tăng nhập khẩu lúa mì và hỗn hợp lúa mì-lúa mạch (+84,4%) và gạo (+80,9%). So với tháng 8/2019, kim ngạch nhập khẩu đã giảm 8,5%. Lũy kế đến hết tháng 8/2020, tổng giá trị nhập khẩu đạt 4,89 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Những mặt hàng nhập khẩu chính trong tháng 8/2020 gồm máy móc (46 triệu USD), sản phẩm dầu lửa thành phẩm (37,45 triệu USD), kim loại thường (27 triệu USD), gạo (25 triệu USD) và dầu mỡ động thực vật (23,3 triệu USD).
Các nước cung cấp chính cho Senegal là Pháp (17,8%), Trung Quốc (10,8%), Thổ Nhĩ Kỳ (6,5%), Ấn Độ (5,2%) và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (4,5%).
Thâm hụt thương mại là 258,6 triệu USD trong tháng 8/2020 giảm so với tháng trước đó là 285,5 triệu USD. Việc cải thiện cán cân thương mại này là do thặng dư thương mại với Nigeria và giảm thâm hụt với Brasil và Ucraina.
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2020, tổng thâm hụt thương mại của Senegal là 2,49 tỷ USD.
Tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal 8 tháng đầu năm
Trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đạt 28,61 triệu USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh là gạo đạt 14,98 triệu USD (tăng 255,3%), bánh kẹo, các sản phẩm từ ngũ cốc, 2,3 triệu USD (+17,7%), hàng rau quả 780.651 USD (+28,1%). Nguyên nhân là do Senegal tăng cường mua gạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, kể từ tháng 7, xuất khẩu gạo sang thị trường này đã giảm do Senegal đã mua đủ lượng gạo dự trữ.
Hoàng Đức Nhuận