Ngày 22 tháng 10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá (AD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador và Indonesia và các cuộc điều tra thuế chống trợ cấp (CVD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Ngay từ đầu vụ việc, DOC đã điều tra 40 chương trình/chính sách của Chính phủ Việt Nam, thuộc các nhóm sau: (i) chương trình cho vay và bảo đảm; (ii) chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; (iii) chương trình miễn các khoản phải thu; (iv) chương trình ưu đãi về đất; (v) chương trình tài trợ. Đáng lưu ý, DOC điều tra một loạt các chương trình thuộc Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình Phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.
Ngày 05 và 23 tháng 2 năm 2024, DOC tiếp tục tiến hành điều tra thêm một số chương trình mới, dựa trên đề nghị của Nguyên đơn Hoa Kỳ, liên quan đến: thuế thu nhập, miễn tiền thuê đất; cung cấp các dịch vụ điện, nước, xử lý nước thải và viễn thông thấp hơn giá trị thông thường và cung cấp tôm bố mẹ, tôm giống và thức ăn nuôi tôm thấp hơn giá trị thông thường. Điều này khiến số lượng các chương trình bị điều tra trong vụ việc này lên tới 51 chương trình, lớn nhất từ trước đến nay trong các vụ việc điều tra CTC đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong kết luận cuối cùng, DOC đã xác định 26/50 chương trình là chương trình trợ cấp bị đối kháng và 10 chương trình là chương trình trợ cấp không bị đối kháng. Ngoài ra, DOC chưa đưa ra kết luận cuối cùng đối với 05 chương trình, gồm:
- Khấu hao nhanh và tăng chi phí được khấu trừ
- Bao thanh toán xuất khẩu từ các Ngân hàng có vốn sở hữu Nhà nước
- Bảo lãnh xuất khẩu từ các Ngân hàng có vốn sử hữu Nhà nước
- Khoản vay ưu đãi cho nhà xuất khẩu từ các Ngân hàng có vốn sở hữu Nhà nước
- Hỗ trợ khoản vay đối với các dự án nông nghiệp hữu cơ từ Agribank
Các chương trình nói trên sẽ được tiếp tục xem xét và kết luận trong cuộc rà soát hành chính lần thứ nhất của vụ việc, trong trường hợp vụ việc này dẫn tới ban hành Lệnh áp thuế chính thức.
Theo đó, thuế CVD đối với tôm Ấn Độ là 5,77%, cao hơn của Việt Nam (2,84%). Đối với các nước khác, tôm Ecuador nhận được kết quả tích cực với thuế AD tuy nhiên phải nhận mức thuế CVD trung bình là 3,78%. Indonesia thì ngược lại với kết quả tích cực với thuế CVD nhưng phải nhận mức thuế AD trung bình là 3,90%. Đối với tôm Việt Nam, ngành tôm Việt Nam có kết quả tích cực hơn 3 nước còn lại trong đợt công bố này của DOC.
Trong số các doanh nghiệp tôm Việt Nam, biên độ trợ cấp cuối cùng được xác định như sau: 2,84% đối với 01 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc duy nhất; 221,82% với 01 doanh nghiệp khác được lựa chọn làm bị đơn nhưng đã từ chối tham gia vụ việc và 2,84% cho tất cả các doanh nghiệp còn lại.
Như vậy, về cơ bản mức thuế chống trợ cấp cuối cùng không thay đổi so với mức thuế sơ bộ. Trong số các nước cùng bị điều tra, mức thuế của Việt Nam thấp hơn mức thuế dành cho Ấn Độ và Ecuador. Đây là kết quả đáng khích lệ đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Quy trình, thủ tục tiếp theo
Sau khi DOC ban hành Kết luận cuối cùng về trợ cấp, Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) sẽ ban hành Kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vòng 45 ngày kể từ ngày DOC ban hành Kết luận cuối cùng. Chỉ khi USITC kết luận ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ có chịu thiệt hại do tôm nước ấm đông lạnh được trợ cấp nhập khẩu từ Việt Nam gây ra, Lệnh áp thuế mới chính thức được ban hành.
Cục PVTM khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến điều tra tại Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) và có bình luận phù hợp trước khi USITC ban hành Kết luận cuối cùng về thiệt hại.
Thông tin chi tiết xin liên hệ: Phòng Xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM, Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Email: huongttl@moit.gov.vn; nganha@moit.gov.vn.
Kết luận cuối cùng, doanh nghiệp/độc giả xem tại file đính kèm.