Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển có tỷ lệ tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất trên thế giới. Đứng thứ hai, thứ tư và thứ sáu trong số 10 quốc gia tiêu thụ cà phê hàng đầu, những thị trường này đang hướng mạnh đến cà phê chất lượng cao.
1. Cà phê chất lượng cao
Cà phê chất lượng cao được chú trọng ở khu vực Bắc Âu. Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch được coi là những người chơi quan trọng trong thị trường cà phê đặc sản toàn cầu và việc nhập khẩu cà phê chất lượng cao đã trở thành trọng tâm chính ở thị trường Bắc Âu.
Na Uy, chẳng hạn, là nơi thành lập Hiệp hội Cà phê Đặc sản ở châu Âu. Người tiêu dùng Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy ngày càng tìm kiếm cà phê độc đáo, chất lượng cao trong các quán cà phê. Ở châu Âu, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy ghi nhận mức tăng trưởng doanh số bán lẻ tại quán cà phê lớn nhất kể từ năm 2010. Do đó, số lượng chuỗi cà phê và các nhà rang xay siêu nhỏ cũng không ngừng tăng lên. Thụy Điển có hơn 1.700 cửa hàng cà phê vào năm 2018 và số lượng cửa hàng cà phê nhỏ liên tục tăng. Trong cùng năm, Đan Mạch thậm chí ghi nhận tỷ lệ quán cà phê mới đăng ký cao nhất ở châu Âu, đạt 14,5%.
Chuỗi cà phê lớn nhất đang hoạt động ở khu vực Bắc Âu là Espresso House, có khoảng 460 cửa hàng ở khu vực. Các chuỗi lớn khác bao gồm Joe & The Juice (Đan Mạch) và Wayne’s Coffee (Thụy Điển).
Ngoài ra, các cửa hàng cà phê đặc sản ở khu vực Bắc Âu còn có Drop Coffee Roasters (Thụy Điển), Sonny (Đan Mạch) và Fuglen (Na Uy). Các nhà rang xay này phục vụ các thị trường ngách và tuân theo các nguyên tắc thương mại trực tiếp dựa trên các mối quan hệ lâu dài bền chặt, tính minh bạch và sản phẩm chất lượng cao.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với cà phê đặc sản kéo theo sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng về việc cà phê được trồng ở đâu và trồng như thế nào?
2. Cà phê hữu cơ
Các nước Bắc Âu được xếp hạng cao trong việc tiêu thụ thực phẩm hữu cơ ở châu Âu.
Đan Mạch và Thụy Điển là các nước đứng đầu thế giới về mức chi tiêu bình quân đầu người cho thực phẩm hữu cơ.
Tính theo tỷ lệ phần trăm, các sản phẩm hữu cơ chiếm 12,1% tổng doanh số bán lẻ thực phẩm của Đan Mạch trong năm 2019. Theo Tổ chức phi chính phủ Hữu cơ Đan Mạch, từ năm 2018 đến 2019, doanh số bán thực phẩm hữu cơ tại Đan Mạch đã tăng 9,4%. Hơn một nửa người dân Đan Mạch, cụ thể 52,5% dân số thường mua thực phẩm hữu cơ mỗi tuần. Cũng theo tổ chức này, trung bình mỗi người dân Đan Mạch chi khoảng 344 EUR cho tiêu dùng thực phẩm hữu cơ vào năm 2019, điều này đưa Đan Mạch trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về tiêu thụ thực phẩm hữu cơ.
Thị phần sản phẩm hữu cơ của Thụy Điển đạt 9,1%, với doanh số bán lẻ đạt 2,4 tỷ EUR. Tại Na Uy, doanh số bán lẻ các sản phẩm hữu cơ tăng 8% từ năm 2017 đến năm 2018, ngay cả khi tiêu thụ thực phẩm hữu cơ vẫn còn nhỏ so với hầu hết các nước Bắc Tây Âu khác, thị phần hữu cơ của Na Uy là 1,7%, doanh số bán lẻ là 394 triệu EUR.
Sự quan tâm đến cà phê hữu cơ tuân theo xu hướng chung của thị trường Bắc Âu đang phát triển. Cà phê phát triển nhanh nhất trong các loại đồ uống hữu cơ ở Đan mạch. Người tiêu dùng Thụy Điển cũng ngày càng ưa chuộng cà phê hữu cơ. Các nhà rang xay Bắc Âu và các thương hiệu cà phê luôn có các sản phẩm hữu cơ trong danh mục của họ.
Một thương hiệu tập trung mạnh vào cà phê hữu cơ và phát triển bền vững là Arvid Nordquist. Các nhà bán lẻ cung cấp nhãn hiệu hữu cơ của riêng họ, chẳng hạn như Anglamark từ Coop Đan Mạch.
3. Cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn phát triển bền vững
Doanh số bán cà phê có chứng nhận bền vững liên tục tăng trưởng ở khu vực Bắc Âu chủ yếu do nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với thực phẩm mang tính tích cực đối với xã hội và môi trường. Năm 2018, trong một cuộc khảo sát của Sustainable Brand Index, hơn 40.000 người tiêu dùng khu vực Bắc Âu được phỏng vấn, 62% người tiêu dùng Na Uy nói rằng tính bền vững là điểm quan trọng nhất trong quyết định mua hàng của họ, ở Thụy Điển là 73% và ở Đan Mạch là 72%.
Fairtrade có một vị trí vững chắc tại thị trường khu vực Bắc Âu. Đan Mạch là một trong những nước phát triển nhanh nhất thị trường cho cà phê được chứng nhận Fairtrade, với tốc độ tăng trưởng 25% từ năm 2016 đến năm 2017, với tổng doanh số bán lẻ có chứng nhận Fairtrade ở Đan Mạch lên tới 138 triệu EUR vào năm 2018. Thụy Điển và Na Uy tương ứng tăng 10% và 22%, đạt 386 triệu EUR và 121 triệu EUR. Cà phê được chứng nhận Fairtrade chiếm 11,3% tổng lượng cà phê tiêu thụ tại Thụy Điển.
Rainforest Alliance-UTZ cũng có mặt trên thị trường cà phê Bắc Âu. Nhiều cửa hàng cà phê và các thương hiệu ở khu vực này được chứng nhận Rainforest Alliance, bao gồm Zoégas, Gevalia, Peter Larsen Kaffe, Risteriet Coffee, Irma, Evergood, Joh Johansson Kaffe, Wayne’s Coffee...
Nhà rang xay lớn của Thụy Điển, Löfbergs là một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới các sản phẩm hữu cơ và có chứng nhận Fairtrade. Kể từ năm 2019, 100% sản phẩm cà phê bán lẻ từ các nhà rang xay Löfbergs của Thụy Điển đã được chứng nhận Rainforest Alliance.