| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Khái quát về HĐ AFCFTA châu Phi

Tin về Hiệp định Thương mại tự do Châu Phi AFCFTA

Đã từ lâu, nền kinh tế châu Phi được đánh giá còn hạn chế trong gắn kết nội khối, là nền kinh tế với nền sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng chưa cao, chủ yếu dựa trên xuất khẩu thô tài nguyên và các sản phẩm truyền thống. Trao đổi ngoại thương chủ yếu được tiến hành với các đối tác từ các châu lục khác. Trao đổi thương mại nội khối chỉ chiếm xấp xỉ 19-20% tổng trao đổi thương mại của châu Phi với thế giới. 
        Có nhiều nguyên nhân để lý giải tình trạng này, trong đó có tình hình phát triển cơ sở hạ tầng các ngành sản xuất tại các quốc gia châu Phi còn hạn chế. Nền sản xuất đó không hấp thụ hết nguồn nguyên liệu nên tất yếu nguyên liệu sẽ  được xuất khẩu ra bên ngoài, cụ thể là đến các quốc gia có nền sản xuất phát triển ngoài châu lục. 
        Mặt khác, về quản lý Châu Phi có nhiều khu vực tự do thương mại và liên minh hải quan với các quy định chính sách khác biệt, chưa nhất quán. Trong nhiều trường hợp nền tảng quản lý này gây ảnh hưởng tới quá trình lưu thông hàng hóa nội khối. 
        Trước tình hình đó, nhu cầu phá vỡ rào cản để cải thiện và phát triển nền kinh tế là vấn đề được hầu hết các nước trong Liên minh Châu Phi (AU) quan tâm. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Minh châu Phi tổ chức năm 2012 tại Addis Ababa, Lãnh đạo các quốc gia AU đã thể hiện mong muốn có hiệp định thương mại tự do nội khối trước năm 2017. Tại Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức năm 2015 tại Nam Phi, các nước đã quyết định chính thức bắt đầu đàm phán AFCFTA với mục tiêu thúc đẩy thương mại nội khối châu Phi, củng cố vị thế thương mại châu Phi trên trường quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững cho toàn châu lục, tăng cường hòa bình, an ninh và hội nhập khu vực. 
        Tính đến thời điểm ký kết vào ngày 21/3/2018 tại Rwanda, quá trình đàm phán kéo dài 3 năm với tổng số 10 phiên đàm phán. Phạm vi đàm phán của Hiệp định AFCFTA khá rộng, đề cập tới nhiều nội dung như: tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ, giải quyết tranh chấp, hợp tác hải quan, thuận lợi hóa thương mại, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, vệ sinh kiểm dịch, đầu tư, thương mại điện tử…
        Quá trình đàm phán được chia làm 2 giai đoạn (hoặc có thể sẽ nhiều hơn), trong đó giai đoạn 1 chủ yếu tập trung vào đàm phán mở cửa hàng hóa và dịch vụ, cùng một số nội dung có liên quan. Trong giai đoạn 2, các nước sẽ đề cập đến các nội dung còn lại. 
        Về dạng hiệp định, AFCFTA là một hiệp định tự do thương mại nhằm tạo ra một khu vực thương mại tự do giữa các nước thành viên AU. Mục tiêu ban đầu là cắt giảm các rào cản thương mại giữa các khu vực tự do thương mại hiện có để tăng cường lưu thông hàng hóa nội khối. Về lâu dài, AFCFTA có mục tiêu thống nhất các khu vực tự do thương mại và liên minh hải quan trở thành khu vực tự do thương mại và liên minh hải quan toàn châu Phi. 
        Tổng 54/55 quốc gia thuộc Liên Minh châu Phi đã tham gia ký AFCFTA, ngoại trừ Eritrea do hoàn cảnh chiến tranh chưa đáp ứng tiêu chí gia nhập. AFCFTA chính thức có hiệu lực ngày 30/5/2019, 30 ngày sau khi nhận được 22 biên bản thông báo đã phê chuẩn Hiệp định từ các nước thành viên căn cứ theo Điều khoản pháp lý của Hiệp định. Cho đến nay, 27/54 thành viên đã phê chuẩn Hiệp định. 
        Về quy mô tác động, AFCFTA phổ quát khoảng 1,2 tỷ dân với quy mô trao đổi ngoại thương khoảng 300 tỷ USD. Dự kiến sau khi được triển khai đầy đủ Hiệp định có thể giúp cho thương mại nội khối tăng trưởng khoảng 20-25%/năm. 
        Ghana đã vượt qua 6 ứng cử viên khác để trở thành thường trực Ban thư ký Hiệp định AFCFTA. 
        Việc ký kết Hiệp định AFCFTA là biểu tượng quan trọng thể hiện sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên Liên minh Châu Phi, giúp tăng cường tình đoàn kết nội khối, đồng thời thể hiện mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế của Chính phủ các nước thành viên. Đây là bước tiến tích cực trong quan điểm lập trường, khác biệt với tư tưởng cục bộ, riêng lẻ đã tồn tại từ lâu tại các quốc gia này. 
        Hiệp định AFCFTA có quy mô lớn, tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay với lượng thành viên tham gia kỷ lục và thời gian vào hiệu lực thần tốc (30 ngày sau ký). 
        Tuy vậy, cho đến nay các bên mới chỉ ký khung thỏa thuận của Hiệp định, nhiều nội dung vẫn tiếp tục trong quá trình đàm phán và dự kiến sẽ được các bên đưa vào phụ lục của Hiệp định. 
        Điểm mấu chốt trong một Hiệp định Thương mại để có thể triển khai hiệu quả là mở cửa thị trường hàng hóa (bao gồm đàm phán hàng hóa và xuất xứ, kiểm dịch…) thì các bên vẫn đang đàm phán và dự kiến sẽ báo cáo lên Ban Thư ký Hiệp định kết quả vào tháng 1/2020. Trong khi đó, việc đàm phán đa phương giữa 54 quốc gia để tìm tiếng nói chung với tiêu chí cào bằng về mở cửa tối thiểu 90% tổng hàng hóa, cho phép 7% danh mục nhạy cảm và 3% danh mục loại trừ…đòi hỏi các bên phải rất nỗ lực để có thể kết thúc do sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các nước và sự khác biệt về quan điểm quản lý, cũng như ý kiến các hiệp hội ngành nghề tại mỗi nước cũng khác nhau. 
        Hơn nữa, phạm vi đàm phán của AFCFTA khá tham vọng. Ngay trong giai đoạn 1, Hiệp định đã đề cập ngay tới lĩnh vực dịch vụ, là nội dung phức tạp, khó thống nhất ngay cả trong các hiệp định song phương. Ngoài ra, nội dung đầu tư và thương mại điện tử nhằm tận dụng lợi thế của cách mạng 4.0 cũng được xem xét đưa vào đàm phán. Đây là hai nội dung xét về quy mô thậm chí có thể tách thành  hai hiệp định độc lập để đàm phán riêng. Thực tế cho thấy, trên thế giới các nước đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương cũng không tham vọng như AFCFTA. Chỉ riêng đàm phán dịch vụ, nhiều hiệp định song phương tốn hơn 10 năm để hoàn thành. 
        Từ những phân tích trên, trong ngắn hạn AFCFTA có lẽ chưa tác động nhiều đến quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi. 
        Sau khi các thành viên thống nhất được danh mục hàng hóa và có hiệu lực thi hành, thì Hiệp định AFCFTA có thể có những tác động sau :
-    Để triển khai Hiệp định, các nước thành viên sẽ phải cải tổ hệ thống quản lý, chính sách, cơ chế, luật pháp đảm bảo minh bạch, thuận lợi hơn để phù hợp với các cam kết.  Điều này gián tiếp cải thiện quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-châu Phi. 
-    Kinh tế châu Phi tăng trưởng, dòng tiền nhiều hơn, nhu cầu tiêu dùng tăng dẫn đến cơ hội xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng nói chung của Việt Nam sang châu Phi tăng. 
-    Nguồn hàng nhập khẩu, nhất là hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất có khả năng dồi dào hơn. 
-    Các đơn hàng xuất khẩu có giá trị lớn hơn do khả năng hình thành hệ thống các đầu mối gom và phân phối hàng hóa xuyên quốc gia. 
-    Giá nguyên liệu nhập khẩu sẽ rẻ hơn do cạnh tranh tăng giữa các đối tác xuất khẩu châu Phi. 
-    Trước sức ép cạnh tranh do Hiệp định đem lại, hệ thống các nhà sản xuất và doanh nghiệp châu Phi sẽ bị đào thải và cải tổ, dần hình thành hệ thống doanh nghiệp có tiềm lực và uy tín tốt hơn hiện nay, giảm thiểu tình trạng lừa đảo tràn lan vốn gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. 
-    Thuế nhập khẩu giảm, nguồn lao động dồi dào với giá cả cạnh tranh hơn và hiệu quả đầu tư tăng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy đẩy đầu tư sang các quốc gia châu Phi, nhất là các dự án sản xuất hàng tiêu dùng, là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. 
-    Theo đó, nhu cầu tìm kiếm đối tác, trao đổi đoàn nhằm thúc đẩy giao thương, giải quyết vướng mắc thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi sẽ tăng lên.

Thương vụ Việt Nam tại Maroc

Nội dung liên quan