| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

5 yếu tố quan trọng để gia tăng nhóm hàng bạch đậu khấu- nhục đậu khẩu của Việt Nam

Bạch đậu khấu là một loại gia vị đắt đỏ thứ 3 trên thế giới, đứng sau nhụy hoa nghệ tây và vani. Đáng chú ý loại quả này lại có rất nhiều ở Việt Nam và mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Bạch đậu khấu là loại thảo dược mọc hoang trong tự nhiên, được tìm thấy ở Nam Mỹ, Thái Lan, Campuchia, Sri Lanka, Việt Nam,... Ở Việt Nam, bạch đậu khấu mọc tự nhiên và được trồng chủ yếu ở các khu vực có khí hậu mát lạnh như Cao Bằng và Lào Cai.

Cùng họ với bạch đậu khấu là nhục đậu khấu. Loại cây có nguồn gốc từ quần đảo Maluku (Indonesia) và được trồng rộng rãi ở các nước vùng nhiệt đới như ở Campuchia, Ấn Độ và Malaysia. Ở nước ta, cây thường được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam.

(Bạch đậu khấu là một loại gia vị đắt đỏ thứ 3 trên thế giới)

Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu nhóm hàng Bạch đậu khấu – Nhục đậu khấu (BĐK-NĐK) của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt 2.501 tấn, kim ngạch đạt hơn 20 triệu USD, giảm 4,8% về sản lượng nhưng tăng 3,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Xét về thị trường, Hà Lan, Mỹ và Anh là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng này của Việt Nam với thị phần lần lượt là 31%, 15% và 11,2%.

5 Yếu tố quan trọng để gia tăng nhóm hàng BĐK-NĐK của Việt Nam ra nước ngoài

Thứ nhất, cải thiện tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, bao gồm việc áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất, và đảm bảo đầy đủ các chứng nhận quốc tế. Điều này sẽ giúp các sản phẩm gia vị Việt Nam nói chung và nhóm hàng BĐK-NĐK nói riêng dễ dàng thâm nhập vào các thị trường có tiêu chuẩn cao như EU và Mỹ.

Thứ hai, để đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng, cần phải đầu tư vào phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, tránh tình trạng cung vượt cầu dẫn đến giảm giá trị xuất khẩu. Các địa phương cần quy hoạch vùng trồng, ứng dụng công nghệ và khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Thứ ba, tăng cường tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, các thị trường mới nổi và thị trường ngách (như Trung Đông, Bắc Phi) có tiềm năng lớn.

Thứ tư, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, các doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu để phát triển các sản phẩm gia vị chế biến sẵn, tinh dầu từ nhục đậu khấu và bạch đậu khấu, nhằm gia tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Cuối cùng, chi phí vận chuyển và logistics còn là một thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Để cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng, cần đầu tư vào hệ thống bảo quản, kho vận và hợp tác với các đối tác quốc tế để giảm thiểu chi phí logistics.

VietnamExport (tổng hợp)

Nội dung liên quan