Ngày 25/11/1971, trong bối cảnh Việt Nam đang kháng chiến chống Mỹ, Na Uy là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Năm nay, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hữu nghị đoàn kết năm thập niên
Trải qua năm thập niên, Na Uy và Việt Nam đã và đang duy trì tình hữu nghị đoàn kết và mối quan hệ tốt đẹp. Hai nước chúng ta có nhiều điểm tương đồng: cả hai đều là những quốc gia biển, có ngành thủy sản phát triển mạnh, và đều nằm trong số 10 quốc gia có nghề cá lớn nhất thế giới. Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội, trở thành nước có thu nhập trung bình và hàng triệu người đã thoát khỏi nghèo đói.
Điều này cũng đánh dấu một sự thay đổi đáng kể về chất trong mối quan hệ của chúng ta. Mối quan hệ truyền thống dựa trên hợp tác phát triển đã đi lên thành mối quan hệ đối tác bình đẳng, cùng quan tâm tới lợi ích kinh tế và thương mại. Chúng ta không còn là nước tài trợ và nước nhận tài trợ nữa, giờ đây Na Uy và Việt Nam là hai người bạn, hai đối tác bình đẳng, song phương và đa phương.
Đại dương thực sự kết nối chúng ta. Hợp tác song phương của chúng ta trong lĩnh vực kinh tế biển đã trở thành một dấu ấn trong chặng đường 50 năm qua.
Na Uy đã giúp Việt Nam xây dựng Luật Thủy sản đầu tiên. Các cơ sở nghiên cứu của Na Uy đã và đang hợp tác để biến Đại học Nha Trang thành một trung tâm học thuật lớn mạnh có chất lượng, năng lực trong đào tạo thủy sản. Các công ty đóng tàu nổi tiếng của Na Uy như Vard đã hoạt động tại Việt Nam.
Hiện nay, chúng ta đang cùng nhau nghiên cứu thúc đẩy và phát triển ngành nuôi biển ở Việt Nam. Na Uy đã rút ra nhiều bài học hay và thiết thực từ quá trình phát triển bền vững ngành công nghiệp cá hồi nổi tiếng của chúng tôi, và Na Uy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với Việt Nam.
Từ năm 1972 tới nay, Na Uy đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 2,3 tỷ NOK (gần 7 ngàn tỷ đồng). Một số lĩnh vực ưu tiên bao gồm: giải quyết tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng phá rừng, phát triển kinh tế đại dương bền vững. Chúng tôi tự hào vì đất nước Na Uy, thông qua đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học và người dân của mình đã góp một phần vào thành công của Việt Nam trong quá trình chuyển mình tới ngày hôm nay.
Nâng cao vai trò của phụ nữ, bình đẳng giới, sự hòa nhập của các dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương đã và đang là các chủ đề xuyên suốt, được ưu tiên trong chương trình nghị sự chung của chúng ta.
Sau đại dịch Covid-19, điều này trở nên vô cùng cần thiết. Các cuộc khảo sát cho thấy phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương khác đều là những đối tượng bị tác động tiêu cực nhiều nhất bởi đại dịch. Đoàn kết quốc tế không bỏ lại ai phía sau trở nên vô cùng quan trọng để chúng ta có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.
Ủng hộ hệ thống đa phương dựa trên luật lệ
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 4/2015, và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến thăm Na Uy tháng 5/2019 trên cương vị Thủ tướng Việt Nam. Nhà Vua Na Uy Harald và Hoàng hậu Sonja cũng sang thăm Việt Nam năm 2004. Ngoài ra, lãnh đạo nhà nước và Bộ trưởng Ngoại giao của chúng ta cũng thường xuyên gặp nhau bên lề các sự kiện thượng đỉnh quốc tế.
Na Uy và Việt Nam cũng hợp tác rất hiệu quả trong các tổ chức đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên hiệp quốc, Hội nghị Thượng đỉnh Á Âu (ASEM), ASEAN và mới nhất là Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA). Giống như Việt Nam, Na Uy ủng hộ mạnh mẽ một hệ thống đa phương với vai trò chủ đạo hiệu quả của Liên hợp quốc, và một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Hợp tác tại các diễn đàn đa phương trở thành một phần quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Tôi rất vui mừng nhận thấy đối thoại và hợp tác giữa hai nước ngày càng trở nên chặt chẽ trong một số vấn đề đa phương - đặc biệt là tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA), nơi chúng ta đều là ủy viên không thường trực trong năm nay. Na Uy và Việt Nam chia sẻ nhiều ưu tiên giống nhau trong HĐBA, như phụ nữ, hòa bình và an ninh, bảo vệ dân thường, cũng như biến đổi khí hậu và an ninh.
ASEAN là một cơ chế khác để Na Uy và Việt Nam phối hợp với nhau trong những vấn đề cả hai cùng quan tâm. Năm 2020 khi Việt Nam giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, Na Uy đã kỷ niệm năm năm quan hệ đối tác đối thoại theo lĩnh vực với ASEAN. Cũng trong năm ngoái, Quốc hội Na Uy-Stortinget được kết nạp làm Nghị viện quan sát viên của AIPA.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới, Na Uy và Việt Nam đều đặc biệt quan tâm đến việc gia tăng thương mại và đầu tư. Chúng ta có nhiều tiềm năng để thúc đẩy tăng trưởng trong quan hệ giữa hai nước. Kinh tế đại dương bền vững, năng lượng sạch/năng lượng tái tạo, và các giải pháp cho nền kinh tế tuần hoàn sẽ là ba lĩnh vực hợp tác chính của doanh nghiệp chúng ta.
Đây là những lĩnh vực Na Uy có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn. Các công ty nổi tiếng của Na Uy như Scatec, Equinor… đang rất quan tâm tới việc đầu tư vào những lĩnh vực này, bên cạnh đó là nhiều công ty đã và đang hoạt động rất lâu tại Việt Nam, lấy một số ví dụ như Jotun, Yara, Pharmaq, DNV-GL.
Các công ty này đang và sẽ tạo ra việc làm cho nhiều người Việt Nam, trao đổi bí quyết và chuyển giao công nghệ. Tất nhiên, họ sẽ không ngừng phát huy các giá trị kinh doanh cơ bản của Na Uy như Tính bền vững, Đổi mới sáng tạo, Môi trường làm việc an toàn, Thân thiện với Môi trường, và Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR).
Chúng tôi mong chờ việc hoàn tất sớm quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Khối Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) (gồm các nước Na Uy, Thụy Sỹ, Iceland và Liechtenstein). Điều này sẽ đem lại lợi ích cho cả hai nước nhất là trong bối cảnh Covid-19 đã tác động nặng nề tới nền kinh tế của chúng ta.
Chia sẻ ước vọng về hội nhập
Mặc dù năm 2021 vẫn khó đoán định, song chúng ta có quyền hy vọng, vì việc tiêm chủng vaccine Covid-19 đã được triển khai rộng rãi trên toàn cầu.
Chúng ta đã bắt đầu học cách sống chung với Covid-19 an toàn và bền vững. Đại dịch đã cho chúng ta thấy một bài học về sự kiên trì và trên hết thảy là tầm quan trọng của hợp tác và đoàn kết quốc tế.
Chúng tôi chia sẻ ước vọng của Việt Nam về hội nhập quốc tế và là một đối tác quốc tế có trách nhiệm. Chúng tôi đánh giá cao những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua.
Na Uy sẵn sàng duy trì đối thoại và hợp tác với Việt Nam trong những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, ủng hộ những giá trị toàn cầu, và hợp tác xây dựng vì sự phát triển bền vững. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục là người bạn thực sự của Việt Nam. “Cùng nhau” chúng ta sẽ vượt qua thử thách và “cùng nhau” tạo dựng một tương lai chung không bỏ lại ai phía sau.