| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Ấn Độ xem xét việc đàm phán lại các FTA, khôi phục ưu đãi GSP với Mỹ

Để chuẩn bị cho việc ra mắt dự thảo Chính sách Ngoại thương Mới (New Foreign Trade Policy - FTP) của Ấn Độ giai đoạn 2021-2026, dự kiến ra mắt vào tháng 4 năm 2022, các chuyên gia kinh tế đã gợi ý chính phủ nên thực hiện các bước điều chỉnh để thúc đẩy hoạt động thương mại, bao gồm việc đàm phán lại các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và lấy lại quy chế Hệ thống Ưu đãi Tổng quát (Generalized System of Preferences - GSP) mà Mỹ đã rút khỏi năm 2019 dưới thời Chính quyền Trump.

Giáo sư Niti Bhasin, Trường Kinh tế Delhi, Đại học Delhi cho rằng Ấn Độ không được hưởng nhiều lợi ích từ các FTA và cán cân thương mại không thuận lợi cho Ấn Độ trong hầu hết các hiệp định FTA. Bà nói thêm rằng Chính sách Ngoại thương mới nên tập trung vào việc khuyến khích các sản phẩm chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn trong giỏ hàng hóa xuất khẩu của và các sản phẩm mà Ấn Độ có lợi thế so sánh để Ấn Độ nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Ông Sanjay Aggarwal, Cựu Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD (PHDCCI) cho biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ, chính vì vậy chính phủ nên xem xét vấn đề khôi phục quy chế GSP với Mỹ. Với việc hưởng ưu đãi thuế suất bằng 0 theo quy chế GSP sẽ khiến các nhà xuất khẩu Ấn Độ nâng cao sức cạnh tranh trên cấp độ toàn cầu. Các cơ chế khen thưởng xuất khẩu nên tập trung vào việc giới thiệu các chương trình khuyến khích các công ty Ấn Độ trong các lĩnh vực như đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm.

Nirmal Khandelwal, Đồng Chủ tịch Ủy ban Đầu tư và Ngoại thương, chủ tịch Phòng PHD đề nghị thành lập một cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) để các doanh nghiệp này có thể trở thành một phần của chuỗi giá trị toàn cầu. Ông nói thêm: “Các khoản cho vay dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Ấn Độ hiện có lãi suất cao hơn so với ở các nền kinh tế mới nổi khác, vì vậy cần phải điều chỉnh sao cho hợp lý, nhằm khuyến khích hoạt động xuất khẩu”.

Nội dung liên quan