| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về thu hồi sản phẩm có khuyết tật, an toàn sản phẩm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan

Nhằm triển khai các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam (được hai bên ký kết vào ngày 25⁄03⁄2025), trong thời gian từ ngày 06 - 08⁄5⁄2025, hai cơ quan này cùng với Cục An toàn và Tiêu chuẩn sản phẩm Vương quốc Anh (OPSS), đã phối hợp tổ chức “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về thu hồi sản phẩm có khuyết tật, an toàn sản phẩm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan” tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia và chia sẻ trực tiếp từ các chuyên gia của OPSS, đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, cũng như đại diện một số cơ quan thuộc Bộ Công Thương và Sở Công Thương TP Hà Nội. Hội thảo là cơ hội đểcác cán bộ, công chức của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam được tiếp cận và trao đổi sâu hơn về quy định pháp luật, cách thức phân tích vụ việc, tiến hành thu hồi sản phẩm có khuyết tật, mô hình quản lý rủi ro, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cũng như các công cụ kỹ thuật trong giám sát và cảnh báo sớm các sản phẩm không an toàn trên thị trường.

Các đại biểu tham dự “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về thu hồi sản phẩm có khuyết tật, an toàn sản phẩm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với sự phát triển của xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng, với một trong những trụ cột chính là đảm bảo an toàn sản phẩm – yếu tố trực tiếp liên quan đến quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng cũng như uy tín của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo

Bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết, trong thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chỉ đạo, định hướng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn sản phẩm, trong đó Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương và Sở Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cấp tỉnh, được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến giám sát, xử lý hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, trong đó bao gồm giám sát hoạt động thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường. Công tác này còn được thực hiện bởi nhiều đơn vị có liên quan như cơ quan về quản lý và phát triển thị trường, thương mại điện tử, quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hóa, an toàn sản phẩm và các Hội Bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước.

Đồng chia sẻ tại Hội thảo, bà Jaipal Basi, Trưởng bộ phận hợp tác quốc tế OPSS trân trọng việc hợp tác giữa OPSS với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, khẳng định OPSS luôn đặt vấn đề an toàn sản phẩm dành cho người tiêu dùng trên hết, nỗ lực giảm thiểu tối đa các tác động gây hại không mong muốn/ có thể xảy đến với người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường kinh doanh – tiêu dùng an toàn, lành mạnh.

Bà Jaipal Basi, Trưởng bộ phận hợp tác quốc tế OPSS chia sẻ tại Hội thảo

Hội thảo diễn ra trong 03 ngày (từ ngày 06 – 08 tháng 5 năm 2025), tập trung chia sẻ vào 3 nhóm nội dung chính, bao gồm: i) Các công cụ gắn kết người tiêu dùng, bài học và nghiên cứu tình huống từ Vương quốc Anh, các chiến lược gắn kết người tiêu dùng tại Việt Nam; ii) Nhiệm vụ của Nhóm quản lý sự cố (Incidenct Managemnet Team), bài học và nghiên cứu tình huống từ Vương quốc Anh về phản hồi thu hồi sản phẩm (ví dụ: cách phân loại rủi ro để thông báo phản hồi thu hồi sản phẩm), quy trình thu hồi sản phẩm của Việt Nam và iii) Thực hành mô phỏng triển khai các khuyến nghị của chuyên gia Vương quốc Anh về cách thức nâng cao sự tham gia của người tiêu dùng Việt Nam đối với công tác thu hồi sản phẩm.

Chuyên gia và các đại biểu chia sẻ về các nội dung có liên quan

Trước khi đi vào các nội dung chuyên sâu, đại diện OPSS đã khái lược một số thông tin tổng quan về hệ thống các quy định liên quan đến an toàn sản phẩm tại Vương quốc Anh, vai trò và chức năng của OPSS trong công tác an toàn sản phẩm nói chung, sự hợp tác giữa OPSS với khu vực ASEAN và Việt Nam (thông qua Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN – ACCP) cũng như chia sẻ một số kinh nghiệm điển hình của OPSS trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo vệ an toàn sản phẩm tiêu dùng. Theo đó, bên cạnh các cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trung ương, OPSS còn phối hợp sâu rộng với mạng lưới các cơ quan quản lý địa phương và đa dạng các tổ chức về người tiêu dùng trong quá trình triển khai các chương trình, chiến lược an toàn sản phẩm. Việc hợp tác giúp OPSS không chỉ có thêm nguồn thu thập thông tin mà còn giúp việc lan tỏa các chương trình, chiến dịch tới đông đảo người tiêu dùng.

  Chuyên gia và các đại biểu chia sẻ về các nội dung có liên quan

Với bất cứ vụ việc, sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng nào, OPSS cũng đều xây dựng Kế hoạch quản lý sự cố. Tùy vào tính chất của từng vụ việc cụ thể mà kế hoạch sẽ được điều chỉnh thực hiện cho phù hợp với thực tế, bao gồm cả điều chỉnh về quy trình các bước cũng như thời gian thực hiện. Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được thực hành lập kế hoạch xử lý sự cố khi phát hiện thông tin về sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Các đại biểu được thực hành từ việc xác định tầm quan trọng của vụ việc, dự kiến kế hoạch xử lý cũng như dự thảo thông tin cảnh báo tới người tiêu dùng. Thông qua bài tập thực hành cụ thể, các đại biểu có cơ hội vận dụng kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong cách thức tiếp cận vụ việc và đưa ra kiến nghị giải pháp hành động trên thực tế.

Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo

Hội thảo là một trong các hoạt động đầu tiên nhằm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền của Vương quốc Anh trong khuôn khổ chương trình Hội nhập Kinh tế ASEAN – Vương quốc Anh (EIP) được triển khai từ tháng 4/2024 và kéo dài trong 4 năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường hội nhập khu vực.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Nội dung liên quan