Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê Thụy Điển trong 9 tháng đầu năm 2013 cả xuất khẩu và nhập khẩu của nước này giảm dưới 5% so với cùng kỳ nếu tính theo giá cố định và trên 8% nếu tính theo giá hiện hành. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 124 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 117 tỷ USD, thương mại thặng dư 7 tỷ USD, thấp hơn mức thặng dư 8 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
I.TÌNH HÌNH THƯƠNG MẠI THỤY ĐIỂN VỚI THẾ GIỚI
- Về xuất khẩu: Đứng đầu nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Thụy Điển trong 9 tháng đầu năm 2013 vẫn là máy móc thiết bị vận chuyển (chiếm tỷ trọng 43,6%) giảm 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó phương tiện vận tải đường bộ giảm 6,8%, thiết bị điện tử và viễn thông giảm 11,2%. Nhóm khoáng sản (chiếm tỷ trọng 10,1%) giảm 20,4%. Nhóm hàng hóa khác (bao gồm thực phẩm, dệt may) kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Về nhập khẩu: Đứng đầu nhóm hàng hóa nhập khẩu chủ lực của Thụy Điển cũng là nhóm máy móc thiết bị (chiếm tỷ trọng nhập khẩu 39,8%) giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2012. Nhiên liệu khoáng sản (chiếm tỷ trọng 14,8%) giảm 16,7%, trong đó nhập khẩu dầu thô giảm 25,8%. Khoáng sản sắt thép (chiếm tỷ trọng 7,5%) cũng giảm mạnh nhập khẩu 19,5%. Các mặt hàng truyển thống là sản phẩm hóa chất và cao su (chiếm tỷ trọng 13,1%) giảm 6,5%, gỗ và các sản phẩm giấy (chiếm 2,9%) giảm 6,5%. Riêng nhập khẩu các mặt hàng khác vẫn tăng 2,9%, trong đó thực phẩm tăng 6,1%.
Đóng góp nhiều nhất vào thặng dư thương mại của Thụy Điển 6 tháng đầu năm là các nhóm hàng sản phẩm gỗ và giấy 10 tỷ USD, máy móc thiết bị 8 tỷ USD, khoáng sản kim loại 3,8 tỷ USD.
- Về thị trường: Trong 9 tháng đầu năm 2013, thị trường xuất khẩu khẩu chủ lực của Thụy Điển là Châu Âu nói chung và với EU-28 giảm so với cùng kỳ 2012, riêng với khu vực đồng Euro (EMU-17) giảm 7%. Xuất khẩu và nhập khẩu với Anh giảm 21% và 19%; với Đan Mạch giảm 3% và 11%, nhập khẩu giảm 11%; với Na Uy giảm 2% và 11%; với Nga giảm 4% và 23%. Thương mại với thị trường Châu Á cũng giảm, đặc biệt là nhập khẩu giảm 9%, tuy nhiên xuất khẩu sang Thái Lan tăng 45%; với Hoa Kỳ giảm mạnh trên 20% đối với cả xuất và nhập khẩu.
II. TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM VÀ THỤY ĐIỂN
- Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu(theo giá hiện hành):Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê Thụy Điển, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương quý trong 9 tháng đầu năm 2013 đạt 646 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào Thụy Điển đạt 550,7 triệu USD, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó nhập khẩu của Việt Nam từ Thụy Điển đạt 95,6 triệu USD, giảm 7,8%. Do vậy, trong 9 tháng đầu năm nay Việt Nam xuất siêu 455 triệu USD, tăng 108,7% so cùng kỳ năm trước.
- Về mặt hàng xuất khẩu: trong 9 tháng đầu năm 2013, lớn nhất thiết ngành điện với 331,4 triệu USD, hàng dệt may 56,8 triệu USD, đồ gỗ 42,2 triệu USD, giày dép 36,9 triệu USD, thiết bị viễn thông và âm thanh 28 triệu USD, trà cà phê gia vị 10,8 triệu USD. Top 6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực này chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Thụy Điển.
- Về mặt hàng nhập khẩu: trong 9 tháng đầu năm 2013, Việt Nam nhập khẩu 23,5 triệu USD máy móc, thiết bị điện từ Thụy Điển, 20,3 triệu USD thiết bị ngành điện và phụ tùng (nuclear reactors), tân dược 17 triệu USD, gỗ và giấy 7,9 triệu USD, sắt thép nguyên liệu 6,5 triệu USD, dụng cụ quang học 4,5 triệu USD. Top 6 mặt hàng nhập khẩu này chiếm 90% tổng kim ngạch nhập khẩu. So với cùng kỳ năm 2012, mặt hàng có mức tăng trưởng nhập khẩu mạnh nhất là hóa chất là 117,7%, máy móc chuyên ngành 58%, sắt thép nguyên liệu 47,3%, phương tiện vận tải và phụ tùng 43,3%, gỗ và giấy 30,1%, dụng cụ quang học 25,4%; các nhóm mặt hàng khác giảm nhập khẩu.
III. THỊ PHẦN MỘT SỐ MẶT HÀNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM CÓ KIM NGẠCH LỚN NHẤT VÀO THỤY ĐIỂN
- Về kim ngạch: Thị phần xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2013 giảm nhẹ so với 6 tháng đầu năm, chiếm 0,47% tổng nhập khẩu của Thụy Điển, trong khi nhập khẩu từ Thụy Điển tăng nhẹ chiếm 0,08% tổng xuất khẩu của Thụy Điển.
- Xét về thị phần các mặt hàng xuất khẩu: những mặt hàng Việt Nam chiếm thị phần hơn 1% tại thị trường Thụy Điển là giày dép 4,5%, trà cà phê gia vị 2,4%, túi xách 2,2%, 3 mặt hàng thiết bị ngành điện và phụ tùng, giày dép và đồ gỗ có thị phần bằng nhau là 1,1%.
Xét về đối thủ cạnh tranh xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là nước có thị phần lớn hơn Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm 4,3% tổng nhập khẩu của Thụy Điển. Hầu như tất cả các loại hàng hóa trừ trà cà phê gia vị, hàng Trung Quốc có thị phần áp đảo tại thị trường Thụy Điển. Xét về tổng kim ngạch Việt Nam đã vượt lên trên Thái Lan, đa số mặt hàng Việt Nam có thị phần cao hơn Thái Lan, trừ mặt hàng đồ chơi trẻ em, đồ gốm sứ, dụng cụ quang học, hải sản, và phương tiện vận tải.