Tháng 01⁄2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,55 tỷ USD, tăng 17,28% (tương đương kim ngạch tăng thêm gần 700 triệu USD) so với cùng kỳ 2023.
Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, tiếp đà phục hồi của các tháng cuối năm trước, quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng đầu năm 2024.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt hơn 16,43 tỷ USD.
Tháng 1/2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,55 tỷ USD, tăng 17,28% (tương đương kim ngạch tăng thêm gần 700 triệu USD) so với cùng kỳ 2023.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất
Tháng đầu năm, nhiều nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 100 đến hàng trăm triệu USD như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; rau quả; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng…
Ngoại trừ sự sụt giảm kim ngạch của mặt hàng điện thoại và linh kiện (giảm hơn 950 triệu USD), hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường láng giềng này đều có tăng trưởng khá.
Đáng chú ý, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Tháng 1, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 306 triệu USD, tăng tới 121% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 62,45% kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.
Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trong tháng 1 đạt 11,88 tỷ USD, tăng mạnh 63,64% (tương đương kim ngạch tăng thêm 4,62 tỷ USD) so với cùng kỳ 2023.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường tỷ dân, nhất là trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế nguồn cung từ các thị trường xa hơn.
Các nhóm hàng hóa có dư địa tăng trưởng cao bên cạnh nhóm hàng hóa của ngành nông nghiệp, còn có các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo như điện tử, máy tính, hàng dệt may, xơ sợi, giày dép...Trong đó, mảng nông sản với nhóm trái cây, điển hình là sầu riêng với kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD trong năm ngoái dự báo tiếp tục lập kỷ lục trong năm 2024 với mức tăng thêm hàng tỷ USD.
17 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong năm ngoái, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 171,2 tỷ USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022 (tương ứng tăng thêm 3,5 tỷ USD). Trong đó, có 12 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường Trung Quốc năm qua là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.
Năm 2023, ghi nhận 12 nhóm hàng xuất khẩu của nước ta sang thị trường tỷ dân đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, 2 nhóm hàng lớn nhất đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại và linh kiện đạt 16,87 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13 tỷ USD.
Các nhóm hàng tỷ USD khác như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; rau quả; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…
Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 110,64 tỷ USD, giảm hơn 7,3 tỷ USD so với năm 2022.
Có 17 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 2 nhóm hàng đạt kim ngạch chục tỷ USD là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 23,4 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22,5 tỷ USD.
Sở dĩ thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc giảm trong năm qua là do giảm ở chiều nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị. Mức giảm nhập khẩu so với năm ngoái tương đương 7,3 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của nước ta với Trung Quốc là 49,5 tỷ USD.