Thị phần lớn nhất của mặt hàng gạo xuất khẩu đến từ các nước ASEAN và Trung Quốc.
Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 12 (1-15/12), cả nước xuất khẩu 292.192 tấn gạo, kim ngạch đạt 200 triệu USD.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/12, cả nước xuất khẩu hơn 7,93 triệu tấn gạo, kim ngạch gần 4,54 tỷ USD, tăng 15,4% về lượng, tăng gần 36% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.
Về thị trường xuất khẩu (cập nhật của Tổng cục Hải quan hết tháng 11), ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất.
Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 4,58 triệu tấn, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Trung Quốc đạt 896 nghìn tấn, tăng 10,9%.
Tính chung lượng gạo xuất sang 2 thị trường đạt 5,48 triệu tấn, chiếm tới 72% lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.
Tại Hội thảo quốc tế “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức (ngày 13/12), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục sôi động do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, các nước Trung đông và châu Phi.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ thêm, gạo Việt Nam ngày càng có nhận diện về thương hiệu trên bản đồ thế giới.
Thời gian tới, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn.
Tuy nhiên, lượng tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn, nên thời điểm này đang là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.