Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2022 sang thị trường Ai Cập đạt 371 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2021. Sự sụt giảm này đã được dự báo từ trước khi Ai Cập đang phải đối mặt với khó khăn kinh tế và tình trạng khan hiếm ngoại tệ tại các ngân hàng.
Một loạt các mặt hàng có sự sụt giảm lớn bao gồm sắt thép các loại giảm 79%, điện thoại, linh kiện các loại giảm 41,9%, phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 16,4% trong khi các mặt hàng nông sản như hạt tiêu giảm 46,4%, hạt điều giảm 18,9% và xơ, sợi dệt các loại giảm nhẹ 3%.
Các mặt hàng giữ được tăng trưởng kim ngạch 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước bao gồm cà phê tăng 18,5%, hàng thủy sản tăng 32,8% và dệt may tăng 17% chủ yếu nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong các tháng đầu năm. Ngoài ra theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm 2022 đạt 31 triệu USD, tăng 38,4% và kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 12,9 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguyên nhân của tình trạng sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong những tháng gần đây là do vấn đề thiếu ngoại tệ dẫn đến Ai Cập tiếp tục siết chặt quản lý ngoại hối và hạn chế nhập khẩu các mặt hàng được cho là không thiết yếu. Ngoài ra tình trạng tỷ giá chính thức đồng bảng Ai Cập so với USD thấp hơn đáng kể so với tỷ giá trên thị trường chợ đen (mặc dù Ai Cập kiểm soát và xử phạt rất nặng giao dịch ngoại tệ bên ngoài các địa điểm được cấp phép) vẫn diễn ra khiến các ngân hàng có xu hướng không bán USD cho doanh nghiệp nhập khẩu cũng như tăng mạnh các loại phí giao dịch và chuyển đổi ngoại tệ.
Tuy nhiên với quyết định điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt của CBE mới ban hành trong ngày 27/10, Ai Cập cho thấy đang nỗ lực giải quyết tình trạng hiện nay và khả năng vấn đề thanh toán của các ngân hàng sẽ được xử lý và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường sẽ hồi phục dần trong các tháng cuối năm.