Singapore ngày càng thận trọng trong chính sách thương mại, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Đối tác thương mại lớn thứ 12 của Singapore
Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, tình hình thương mại trong tháng 5/2024 của Singapore với thế giới tiếp tục tăng trưởng tích cực khi cả 3 chỉ tiêu tổng kim ngạch 2 chiều và kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều có dấu hiệu phục hồi. Với thị trường Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều trong tháng 5/2024 vẫn duy trì được mạch tăng trưởng tích cực, đặc biệt là chiều xuất khẩu sang Singapore (tăng 31,6%). Tuy nhiên, với sự tăng trưởng giá trị tuyệt đối của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, 5 tháng năm 2024, Việt Nam đã lùi xuống vị trí đối tác thương mại lớn thứ 12 của Singapore.
Cụ thể, theo số liệu từ Thương vụ, trong tháng 5/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt gần 2,48 tỷ SGD, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao (31,6%) với giá trị 683,32 triệu SGD, kim ngạch nhập khẩu tăng 1,54%, đạt hơn 1,79 tỷ SGD.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 12,67 tỷ SGD, tăng 6,72 % so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng mạnh ở mức 26,09%, đạt gần 3,29 tỷ SGD và nhập khẩu hơn 9,38 tỷ SGD, tăng 1,27%.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 12,67 tỷ SGD, tăng 6,72 % so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh mang tính chất minh họa
Đáng chú ý, theo thống kê từ Thương vụ, trong tháng 5/2024, cả 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Singapore tiếp tục tăng mạnh, cụ thể: nhóm Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại tăng 28,87%; Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 38,86%); Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (tăng 1,74 lần).
Một số nhóm ngành xuất khẩu khác cũng có mức tăng trưởng rất mạnh như: Sắt thép (tăng 2,28 lần); Nhôm và các sản phẩm từ nhôm (tăng 10,8 lần)... Ở chiều ngược lại, một số nhóm có mức sụt giảm khá mạnh là Các sản phẩm từ sắt thép (giảm 57,46%); muối; lưu huỳnh; đất và đá; thạch cao, vôi và xi măng (giảm 46,84%)...
Ở chiều ngược lại, trong 5 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu từ Singapore các mặt hàng như: Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại; nhóm Nhựa và các sản phẩm từ nhựa; nhóm Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy...
Năng lượng - lĩnh vực còn nhiều dư địa hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Singapore. Ảnh mang tính chất minh họa
Nhấn mạnh dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng hồi tháng 4/2024 vừa qua, hai nhà lãnh đạo cùng cho rằng, thương mại, công nghiệp, năng lượng, kinh tế số, kinh tế xanh, sạch và bền vững... là những lĩnh vực tiềm năng cần được khai phá để góp phần vào việc xây dựng khuôn khổ quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện” mà hai nước đang hướng tới. Đặc biệt, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh đến dư địa hợp tác trong lĩnh vực năng lượng; trong đó, đặc biệt quan tâm tới các nguồn năng lượng gió, năng lượng sạch.
Để hiện thực hóa mục tiêu, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, Thương vụ sẽ tiếp tục cập nhật tình hình, cơ chế, chính sách của địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, trưng bày hàng hóa, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn; hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore; hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam.
Chính sách thương mại mới của Singapore
Singapore là một thị trường tiêu dùng tương đối nhỏ nhưng lại tập trung nhiều công ty đa quốc gia và là một trung tâm thông tin, thương mại, tài chính, trung tâm logistics lớn của khu vực và toàn cầu. Không những vậy, Singapore là một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn, là cửa ngõ rất quan trọng của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, trong đó có Việt Nam, do vậy, để xuất khẩu thành công và bền vững sang thị trường này, ông Cao Xuân Thắng cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ thông tin thị trường, nắm bắt những thay đổi của thị trường nhập khẩu để xây dựng chiến lược xuất khẩu.
Cập nhật thông tin về một số chính sách mới nhất của Singapore, ông Cao Xuân Thắng cho biết, hiện nay Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) đã sửa đổi Mẫu khai báo cho đối tượng đủ tiêu chuẩn (QP) về việc kê khai xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm của các doanh nghiệp Singapore. Mẫu tờ khai sửa đổi này sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2024 (tất cả các nội dung trong tờ khai đều là bắt buộc).
“Các nhà xuất khẩu thực phẩm vào Singapore phải hiểu rõ các yêu cầu hiện hành của Cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia nhập khẩu và đảm bảo rằng các lô hàng xuất khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định của quốc gia/khu vực nhập khẩu” - ông Cao Xuân Thắng lưu ý doanh nghiệp và khuyến cáo, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực phẩm có liên quan nên cập nhật các quy định mới của địa bàn.
Singapore ngày càng thận trọng trong chính sách thương mại, đây là thách thức song cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Ảnh mang tính chất minh họa
Không chỉ vậy, ngày 16/2/2024 Bộ Tài chính Singapore đã đề xuất Dự luật Doanh nghiệp đa quốc gia (Thuế tối thiểu) và Luật bổ sung để thực hiện Thuế bổ sung trong nước (DTT) và Quy tắc thu nhập bao gồm (IIR) thuộc Trụ cột số 2 của sáng kiến về Khấu hao cơ sở và Chuyển lợi nhuận 2.0 (BEPS). Dự luật này đang được lấy ý kiến phản hồi của công chúng từ ngày 10/6 đến ngày 5/7/2024.
Đề xuất Dự luật và Luật bổ sung đưa ra những thay đổi quan trọng để áp dụng cho các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) trong phạm vi hoạt động. MNE được hiểu là những tập đoàn có doanh thu tập đoàn hàng năm từ 750 triệu Euro trở lên, ít nhất hai trong bốn năm tài chính trước đó. Những thay đổi được đề xuất sẽ có hiệu lực cho các năm tài chính bắt đầu vào hoặc sau ngày 1/1/2025.
Một số nội dung chính của Dự luật quan trọng này là áp dụng Thuế bổ sung trong nước cho các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia có pháp nhân đang hoạt động tại Singapore mà chịu thuế thấp, để đảm bảo rằng mức thuế suất hiệu quả áp dụng đối với các đơn vị cấu thành của MNE cho pháp nhân đặt tại Singapore ít nhất là 15%.
Cùng đó, áp dụng Quy tắc thu nhập, được gọi là Thuế bổ sung doanh nghiệp đa quốc gia (MTT) trong dự thảo Luật, cho các tập đoàn MNE có công ty mẹ ở Singapore, có các pháp nhân của họ đang hoạt động bên ngoài Singapore mà đang hưởng thuế thấp. Điều này nhằm đảm bảo rằng mức thuế thực tế áp dụng đối với các đơn vị cấu thành của tập đoàn MNE nằm ngoài Singapore ít nhất là 15%.
Thương vụ lưu ý, nếu được thông qua, Dự luật Doanh nghiệp Đa quốc gia (Thuế tối thiểu) sẽ được hiểu là một với Đạo luật thuế thu nhập 1947 của Singapore (ITA). Một số điều khoản nhất định, chẳng hạn như quản lý, thực thi và kháng cáo được áp dụng theo ITA cũng sẽ áp dụng cho Thuế bổ sung trong nước và doanh nghiệp đa quốc gia.
Đây là một trong những động thái chính sách mới về Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT –Global Minimum Tax) tại Singapore. Các chính sách này sẽ tác động trực tiếp đến việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Singapore và đầu tư từ Singapore ra nước ngoài, do vậy Thương vụ đặc biệt lưu ý, các cơ quan quản lý nhà nước và các tập đoàn trong nước nên theo dõi và cập nhật thường xuyên để có điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
“Singapore ngày càng thận trọng trong chính sách thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu và nhập khẩu. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, góp phần gia tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam” - ông Cao Xuân Thắng nhận định.