Để nông sản, thủy sản Việt Nam tạo uy tín trên thị trường EU, doanh nghiệp cần đạt các quy định, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thông tin minh bạch, trung thực...
Tín hiệu lạc quan
Tiến sĩ Arjen Roem, Phó Chủ tịch Bộ phận kinh doanh thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham cho biết, năm 2021, Việt Nam là đối tác lớn thứ 31 cho hàng hóa xuất khẩu vào EU và là đối tác lớn thứ 11 cho hàng hóa nhập khẩu của EU.
Năm 2021, xuất khẩu Việt Nam sang EU lên đến 46 tỷ USD, tăng 14%. “Với đà tăng trưởng này, Châu Âu hiện đang là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm 14% tổng doanh thu xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính”, Tiến sĩ Arjen Roem thông tin.
Những mặt hàng nông sản hàng đầu nhập khẩu từ Việt Nam là trái cây nhiệt đới, các loại hạt, gia vị tươi và khô trị giá 869 triệu ERU (39%); cà phê chưa rang, chà là 868 triệu EUR (38%); các sản phẩm nông sản còn lại là cà phê, trà, gạo, mỳ, bánh ngọt, bánh quy. Xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sang EU năm 2021 đạt 14 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2020
Quý 1/2022, Việt Nam xuất hơn 22.500 tấn (18 triệu USD) gạo sang EU, tăng 4 lần về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tới EU tăng từ 20% trong quý I/2021 đến 28% trong quý I/2022.
Đối với ngành nuôi trồng thủy sản ĐBSCL, Tiến sĩ Arjen Roem cho rằng, tín hiệu lạc quan là sau hai năm liên tục sụt giảm, xuất khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam sang EU đã tăng gần 70% trong hai tháng đầu năm 2022, đạt tổng cộng 190 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 đạt 155 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2002, dù tình hình thế giới có nhiều biến động, đặc biệt khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa tăng cao, tình hình logistics bất ổn do tác động của chiến sự Nga - Ukraina nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan tăng trưởng tốt với mức 29,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt giá trị 5,042 tỷ USD. Trong đó, thủy sản tăng 56,5%, rau quả tăng 21%, cà phê tăng hơn 300%, hạt tiêu tăng 75,6%, gạo tăng gần 24%.
Cơ hội - thách thức
Xung đột giữa Nga - Ukraine khiến cho tình trạng thiếu hụt, chậm trễ và tăng chi phí trong các dây chuyền sản xuất ở nhiều ngành công nghiệp diễn ra trên toàn cầu. Hiện các nước EU cần phải có một nguồn cung cấp ngũ cốc và nông sản thay thế.
“Việt Nam có thể tăng cường vai trò ở thị trường EU để thay thế các mặt hàng từ Nga. Nhân cơ hội này, Việt Nam cần tập trung cải thiện thị phần ở thị trường EU vốn đang có nhu cầu ngày càng cao”, Tiến sĩ Arjen Roem nhận định.
Lý giải về điều này, Tiến sĩ Arjen Roem cho biết, năm 2021, Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu 60.000 tấn gạo sang thị trường EU. Việt Nam cần phải tận dụng triệt để hạn ngạch xuất khẩu gạo 80.000 tấn/năm tới EU với mức thuế là 0% theo Hiệp định EVFTA. Đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tăng cường xuất khẩu gạo và các mặt hàng nông sản khác sang thị trường này.
Tiến sĩ Arjen Roem cũng lưu ý, một trong những thách thức chính đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam tới EU là các yêu cầu nghiêm ngặt của EU. Bởi, nhiều nhóm sản phẩm tiềm năng như rau củ quả, gạo và thực phẩm chế biến của Việt Nam vẫn chưa đạt đến mức số lượng cần thiết cho các đơn đặt hàng lớn của các siêu thị tại EU. Nhu cầu của EU ngày càng tăng, số lượng rau củ quả đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu đến thị trường này vẫn còn bị giới hạn.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cũng cho biết, các mặt hàng thực phẩm khô nhập khẩu từ Việt Nam liên tiếp nhận cảnh báo vi phạm quy định về etylene oxide, do đó các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này có tâm lý e dè hơn, giảm lượng hàng nhập khẩu.
Còn rau quả tươi vẫn chưa đáp ứng được bảo quản tốt khi vận chuyển bằng đường biển nên các nhà nhập khẩu không dám chấp nhận rủi ro khi nhập khẩu lượng lớn hàng này bằng đường biển.
“Vừa qua, quả bưởi Bến Tre đã nhập khẩu vào Hà Lan qua cảng Rotterdam để phân phối sang các nước Đức, Séc, Pháp với giá bán lẻ 11 EUR/quả, khó có thể cạnh tranh lâu dài với quả bưởi Trung Quốc với giá bán lẻ chỉ 2-3 EUR/quả mặc dù quả bưởi Việt được đánh giá ngon, ngọt hơn bưởi Trung Quốc”, bà Diệp thông tin.
Thời gian qua, EU liên tục cập nhập và tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu bao gồm thức ăn và các sản phẩm thực vật. Đồng thời, tăng cường áp dụng các tiêu chí mới về chứng nhận liên quan tới bảo vệ môi trường và pháp triển bền vững, có trách nhiệm với xã hội.
“Mục tiêu của các quy định này nhằm đảm bảo sức khỏe và tiêu chuẩn chất lượng trên khắp thị trường EU. Do những tiêu chuẩn cao này, việc gia nhập thị trường EU của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức”, Tiến sĩ Arjen Roem nhận định.
Tiến sĩ Arjen Roem cho rằng, để Việt Nam khôi phục vị thế và uy tín quốc tế của mình đối với xuất khẩu nông sản và thủy sản, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn trong việc cung cấp những chứng nhận rõ ràng, minh bạch, trung thực và chính xác.
Các quy tắc về xuất xứ nghiêm ngặt là một thách thức nữa đối với việc xuất khẩu sản phẩm Việt Nam đến EU.
Thực tế là Việt Nam phụ thuộc vào nhiều nguyên liệu và đầu vào từ các nước nằm ngoài EVFTA. Việc này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tối ưu hóa lợi ích miễn thuế. “EVFTA không phải là một cây đũa thần. Bên cạnh việc giảm thuế, những thách thức từ EVFTA không chỉ đến từ chất lượng, số lượng của sản phẩm, mà nó còn đến từ sở thích của người tiêu dùng, những tiêu chuẩn khác như điều kiện lao động, cấm lao động trẻ em, an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn nhà máy, và cơ sở sản xuất...
Tất cả những nhu cầu trên nhằm thỏa mãn kỳ vọng của người tiêu dùng đối với cái được gọi là quy tắc “đạo đức”. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị và cải thiện các điều kiện, quy định sản xuất của mình, cải thiện sản phẩm, hợp lý hóa quy trình để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng EU, cũng như tăng sức hấp dẫn trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần phải cập nhập thông tin thị trường, bao gồm các ưu đãi thuế quan, vệ sinh và an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ và phát triển thương hiệu”, Tiến sĩ Arjen Roem khuyến nghị.
Phó Chủ tịch Bộ phận kinh doanh thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham cũng cho rằng, nếu Việt Nam không tận dụng cơ hội đi đầu trong quan hệ thương mại, thì trong tương lai sẽ đứng trước nguy cơ phải cạnh tranh với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á. Bởi, Singapore cũng đã ký kết FTAs, và EU cũng đang đàm phán FTAs với các nước khác trong khu vực như Philippines và Indonesia. Đây là những nước đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việt xuất khẩu hàng hóa tới EU.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan tiếp tục thực hiện các công tác xúc tiến thương mại, tích cực quảng bá nông sản thực phẩm Việt Nam tại tất cả các sự kiện ngoại giao như Embassy Festival tại The Hague vào đầu tháng 9/2022; Tại tuần hàng, triển lãm mà Thương vụ tham gia/tổ chức kết hợp tổ chức tại Đại sứ quán vào tuần cuối cuối tháng 9/2022 và vào giữa quý 4/2022;
Tổ chức, hỗ trợ các hoạt động khảo sát thị trường, kết nối giao thương cho đoàn doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, Bến Tre, TP.HCM vào quý 3, quý 4/2022;
Đồng thời, tăng cường gặp gỡ các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản, cao su, gốm sứ giới thiệu, chào hàng Việt Nam; Tăng cường gặp gỡ Cục Doanh nghiệp Hà Lan, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp và Liên đoàn giới chủ để kết nối doanh nghiệp, vận động nguồn kinh phí hỗ trợ của họ thông qua các hoạt xúc tiến thương mại đầu tư của Việt Nam, qua kênh Thương vụ.