Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu đến hết ngày 15⁄5⁄2024 đạt 270,82 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2024 (từ ngày 01/5 đến ngày 15/5/2024) đạt 31,9 tỷ USD, tăng 7,7% (tương ứng tăng 2,29 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2024.
Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 6,36 tỷ USD
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 5/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/5/2024 đạt 270,82 tỷ USD, tăng 16,8%, tương ứng tăng 38,87 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 182,8 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng 22,29 tỷ USD).
Tổng trị giá xuất nhập khẩu đến hết ngày 15/5/2024 đạt 270,82 tỷ USD (Ảnh minh họa)
Trong kỳ 1 tháng 5/2024, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 2,63 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 6,36 tỷ USD.
Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2024 đạt 14,64 tỷ USD, giảm 8% (tương ứng giảm 1,28 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 4/2024.
Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 5/2024 giảm so với kỳ 2 tháng 4/2024 ở một số nhóm hàng sau: sắt thép các loại giảm 256 triệu USD, tương ứng giảm 48,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 218 triệu USD, tương ứng giảm 10,9%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 187 triệu USD, tương ứng giảm 9,5%; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 108 triệu USD, tương ứng giảm 15,7%...
Như vậy, tính đến hết 15/5/2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 138,59 tỷ USD, tăng 16,1% tương ứng tăng 19,17 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2024 đạt 17,26 tỷ USD, tăng 26% (tương ứng tăng 3,57 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2024.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 5/2024 tăng so với kỳ 2 tháng 4/2024 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 915 triệu USD, tương ứng tăng 25,5%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 542 triệu USD, tương ứng tăng 32,2%; vải các loại tăng 203 triệu USD, tương ứng tăng 33,2%...
Như vậy, tính đến hết 15/5/2024, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 17,5% (tương ứng tăng 19,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.
Tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, 4 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 239 tỷ USD, tăng 15,1%, tương ứng tăng 31,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, ghi nhận một số điểm tích cực nổi bật.
Thứ nhất, cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nhóm doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng cao hơn (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 12,4% của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Thứ hai, xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt mức tăng trưởng cao (25,7% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó thủy sản đạt 2,7 tỷ USD, tăng 5,8%; rau quả đạt 1,9 tỷ USD, tăng 38,1%, cà phê đạt 2,5 tỷ USD, tăng 53,4%, đặc biệt là mặt hàng gạo, tuy chỉ tăng 9,5% về lượng nhưng kim ngạch ghi nhận tăng 33,6% phản ánh mặt bằng giá có lợi trên thị trường. Xuất khẩu nhóm hàng nông sản – vốn là nhóm thế mạnh của khối doanh nghiệp trong nước đã đóng góp vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực doanh nghiệp này.
Thứ ba, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt: Gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 4,9 tỷ USD tăng 25%; hàng dệt may đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,7%; giày dép đạt 6,6 tỷ USD, tăng 7,2%, sắt thép các loại đạt 3,2 tỷ USD, tăng 28,1%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 21,5 tỷ USD, tăng 33,9%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5%.
Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện sau 4 tháng năm 2024 đạt 21,5 tỷ USD, tăng mạnh 33,9% so cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa)
Thứ tư, xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam: sang Asean tăng 10,5%; sang Nhật Bản tăng 3,3%, Hàn Quốc tăng 8,6%, EU tăng 15,1%, Australia tăng 22,6%. Việt Nam trong năm vừa qua đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 2 đối tác lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong đó thương mại được coi là một trụ cột quan trọng. Xuất khẩu sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đạt 17 tỷ USD, tăng 12,8%; sang Hoa Kỳ đạt 34,7 tỷ USD tăng 21,2%.
Thứ năm, nhập khẩu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất. Tỷ trọng các mặt hàng cần nhập khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao (88,8%) trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các Hiệp định FTA
Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát cao làm sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Xung đột nổ ra ở nhiều nơi … gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá. Bộ Công Thương đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các Hiệp định FTA.
Cụ thể, Bộ đã chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong các ngành để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hoá, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo.
Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên liên tục cập nhật các thông tin về quy định, chính sách của thị trường sở tại, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trên các trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Làm việc với các Hiệp hội ngành hàng nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến chi phí vận chuyển hàng hoá khi tình hình căng thẳng xảy ra tại Biển Đỏ; kịp thời có khuyến cáo các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh diễn biến bất ổn tại Israel.
Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.
Nhờ nỗ lực chung, kết quả thực hiện công tác thúc đẩy xuất khẩu, thúc đẩy tận dụng các FTA thời gian qua đạt kết quả tích cực. Trong đó, kết quả xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định FTA đều có sự phục hồi tốt.