Thị trường Nhật Bản có những tiêu chuẩn cao về thiết kế, kích cỡ và phù hợp với điều kiện khí hậu. Vì vậy, việc thay đổi mẫu mã, thậm chí nhập khuôn thiết kế từ Nhật là thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu da giầy của Việt Nam. Ngoài ra, để đẩy mạnh việc bán sản phẩm và xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm được một số quy định của nước bạn liên quan đến mặt hàng này như:
Về công ước Washington
Tùy thuộc vào loại da, giầy da là đối tượng điều chỉnh của Công ước Washington (Pháp luật về bảo tồn các loại động thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng). Các sản phẩm chế biến từ động thực vật được phân loại ở Phụ lục số II và III của Công ước này có thể được mua bán với mục đích kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, khi nhập các sản phẩm thuộc Phụ lục số II cần có Giấy phép xuất khẩu (CITES - Công ước về buôn bán quốc tế về các loài Động Thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng) do Cơ quan Chính phủ nước xuất khẩu cấp (bản gốc), đối với sản phẩm ở Phụ lục III cần có Giấy phép xuất khẩu hoặc Giấy chứng nhận xuất xứ (bản gốc). Ngoải ra, trường hợp hàng chế biến từ động thực vật nêu tại Khoản 7- (6), Mục 3 của Công Bố Nhập khẩu, trước khi khai báo thông quan nhập khẩu cần có giấy chứng nhận do Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cấp.
Ngoài ra, để biết nguyên liệu sử dụng cho các sản phẩm đó có thuộc danh mục điều chỉnh của Công ước Washington hay không cần tham vấn ý kiến của Bộ phận thẩm tra mua bán các sản phẩm từ động thực vật hoang dã, Phòng quản lý thương mại, Vụ Hợp tác kinh tế thương mại, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.
Về thuế quan và phân bổ hạn ngạch thuế quan mặt hàng giầy da
Điều cần lưu ý khi nhập khẩu giầy da là thuế quan. Thuế đánh cao thấp khác nhau tùy thuộc vào bộ phận da nào được sử dụng và tùy thuộc nước xuất khẩu. Thông thường mức thuế là 30% hoặc 4.300 Yên/đôi tùy theo cách tính nào cao hơn (Thuế suất theo Hiệp định đối tác kinh tế ở thời điểm 01/04/2012).
Giầy da là một trong những mặt hàng có mức thuế suất cao nhưng để điều hòa giữa nhu cầu mua giá rẻ của người tiêu dùng và bảo hộ sản xuất trong nước, giầy da đã được đưa vào danh mục chịu hạn ngạch thuế quan.
“Hệ thống phân bổ hạn ngạch thuế quan” là hệ thống giới hạn số lượng nhập khẩu ở một mức nhất định và miễn thuế hoặc áp dụng thuế thấp (thuế suất trong hạn ngạch) cho số lượng giới hạn này nhằm đảm bảo cung cấp hàng nhập khẩu giá rẻ cho người tiêu dùng; mặt khác để bảo hộ những nhà sản xuất trong nước thì đối với phần nhập khẩu vượt số lượng cho phép sẽ bị áp thuế nhập khẩu tương đối cao (thuế suất ngoài hạn ngạch).
Người nhập khẩu, bán hàng khi nộp Đơn xin cấp hạn ngạch thuế quan cần đáp ứng điều kiện là đang kinh doanh liên quan đến da và các sản phẩm da (như sản xuất, bán hàng, nhập khẩu) và phải tiến hành nhập khẩu đều đặn với kim ngạch năm sau phải bằng hoặc cao hơn 1 năm trước ngày nộp đơn. Hàng năm, hạn ngạch nhập khẩu của năm sau được công bố vào tuần đầu của tháng 3.
Về yêu cầu về nhãn mác khi bán hàng
Khi bán giầy sử dụng da hỗn hợp ở cổ giầy, cao su hoặc nhựa hỗn hợp ở đế giày, gắn kết phần cổ giầy và đế giầy bằng keo dán, cần ghi nhãn bắt buộc theo Luật Nhãn mác chất lượng hàng tạp hóa công nghiệp” của Luật Nhãn mác chất lượng hàng gia dụng gồm các hạng mục: (1) Tên vật liệu làm cổ giầy, (2) Tên vật liệu làm đế giày, (3) Khả năng chịu áp lực của đế giày, (4) Những điểm cần lưu ý khi sử dụng, tên, địa chỉ và số điện thoại của người ghi nhãn.
Ngoài ra, “Quy tắc cạnh tranh công bằng liên quan đến ghi nhãn cho giầy thể thao” đã được ban hành như là một tiêu chuẩn tự nguyện cho giới kinh doanh mặt hàng này. Giầy thể thao cũng trở thành đối tượng điều chỉnh bởi tiêu chuẩn này.