| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

9 tháng đầu năm 2024, ngành sầu riêng tiếp tục phá kỉ lục trong nhóm hàng rau quả Việt Nam

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 9 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 5,7 tỷ USD, đây là con số cao kỷ lục, trong đó, riêng mặt hàng sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD.

Trong số 10 thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, ngoại trừ Hà Lan. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu 8 tháng năm đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo sau là Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan với giá trị nhập khẩu tăng trưởng 35 - 90%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đánh giá, rau quả Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường khó tính như Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối và xoài Việt Nam. Tại Mỹ, nông sản Việt cũng có sự thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường này 9 tháng qua.

Xuất khẩu rau quả đạt gần 5,7 tỷ USD, ngành sầu riêng tiếp tục phá kỷ lục- Ảnh 1.

Sầu riêng được làm sạch để đóng gói xuất khẩu

Cả nước hiện có khoảng 50 loại cây ăn quả, gồm các loại quả ôn đới, á nhiệt đới và nhiệt đới; trong đó nhóm các loại quả nhiệt đới có lợi thế xuất khẩu. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2023 tăng trưởng bứt phá, vượt qua thanh long, vươn lên vị trí số 1, với khoảng 2,2 tỷ USD (tăng hơn 5 lần so năm 2022). Nhu cầu tiêu thụ, dư địa thị trường rau quả toàn thế giới lớn, liên tục tăng từ 222 tỷ USD năm 2013 lên 311 tỷ USD năm 2022, tăng hơn 1,4 lần sau 10 năm.

Sầu riêng hiện xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc và đón tín hiệu tích cực khi Trung Quốc đồng ý nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam.

Đánh giá về cơ hội mới của sầu riêng Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết thêm, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD, dự kiến vài năm tới, con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD.

Trong khi sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt, vỏ phải loại bỏ, gây ô nhiễm môi trường, trong khi sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác. Do đó, để phù hợp hơn với nhu cầu, người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh. Năm ngoái, Trung Quốc chi 1 tỷ USD nhập khẩu sầu riêng đông lạnh…

Tuy nhiên trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - thông tin, việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này cũng đang gặp sự cạnh tranh không nhỏ. Theo đó, Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các quốc gia có khí hậu thuận lợi. Tiếp đến, việc một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước, khiến nhiều vi phạm kỹ thuật xảy ra. Bên cạnh đó, cuộc đua xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng khốc liệt khi Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia... cùng tham gia.

Theo các chuyên gia, để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Nghị định thư đã ký.

Quan trọng hơn, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, kết hợp với việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tính minh bạch khi có yêu cầu.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Nội dung liên quan