Hoa Kỳ là một trong những thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, đặc biệt là mặt hàng tôm tẩm bột. Với nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm tiện lợi, xuất khẩu tôm tẩm bột sang Hoa Kỳ đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Hoa Kỳ nhập khẩu 762,80 nghìn tấn tôm, giảm 3% so với năm 2023 và giảm 15% so với mức đỉnh của năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn 9% so với năm 2019.
Đối với sản phẩm tôm tẩm bột (mã HS 160521), Hoa Kỳ đang là quốc gia đứng đầu về kim ngạch nhập khẩu trên thế giới, với kim ngạch năm 2023 đạt 1,60 tỷ USD, chiếm 45,2% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trên thế giới.
Năm 2023, Ấn Độ là thị trường cung cấp chính nhóm hàng này tại Hoa Kỳ, đạt kim ngạch 446,41 triệu USD, chiếm 28% thị phần, Indonesia đứng vị trí thứ hai, đạt kim ngạch 432,76 triệu USD, chiếm 27,1%, Việt Nam đứng thứ ba về kim ngạch xuất khẩu, với 372,01 triệu USD, chiếm 23,3%. Ngoài ra còn có Thái Lan, Ecuador là 2 thị trường cung cấp chính nhóm hàng này sang Hoa Kỳ.
Với xu hướng tăng trưởng tốt trong năm 2024, tẩm bột lại không phải là đối tượng bị áp thuế, doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này sang Hoa Kỳ. Cùng với đó, Việt Nam là một trong những quốc gia nuôi tôm lớn nhất thế giới, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng- nguyên liệu chính để sản xuất tôm tẩm bột.
Về tiềm năng thị trường, người tiêu dùng Hoa Kỳ có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm thủy sản chế biến sẵn do tính tiện lợi và dễ chế biến. Trong đó, tôm tẩm bột được sử dụng rộng rãi trong các chuỗi nhà hàng, siêu thị và dịch vụ ăn uống nhanh.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, kiểm soát dư lượng kháng sinh và áp dụng công nghệ bảo quan tiên tiến. Việc tham gia các hội chợ thương mại quốc tế, hợp tác với các nhà nhập khẩu và chuỗi bán lẻ lớn tại Hoa Kỳ cũng là một trong những cách tiếp cận thông minh, hiệu quả. Cuối cùng, là tận dụng ưu đãi thuế quan, tối ưu hóa chi phí sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu.