| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Ô-man 2014

Với dân số chỉ hơn 3,0 triệu người,Ô-man có tổng thu nhập quốc nội năm 2013 đạt trên 80 tỉ USD (GDP bình quân đầu người rất cao, gần 27 ngàn USD). Hàng năm, Ô-man phải nhập khẩu khoảng trên 30 tỉ USD trị giá hàng hóa các loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, do nằm trong khối thị trường chung các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) với hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông, cảng biển khá phát triển, Ô-man còn có thể đóng vai trò là thị trường trung chuyển hàng hóa rất tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam.

Tình hình quan hệ song phương Việt Nam – Ô-man

Ngay những ngày đầu năm 2014 (tháng 01/2014), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã dẫn đầu Đoàn Phân ban Việt Nam sang Mut-xcat tham dự Kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Ô-man về hợp tác kinh tế và kỹ thuật. Tại Kỳ họp này, hai bên đã thảo luận và thống nhất một số biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại song phương như: Ô-man xem xét tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, bảo đảm an ninh lương thực; tăng cường hợp tác về kết nối đường không và đường biển giữa hai nước để tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư; phía Ô-man sẽ tạo thuận lợi nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn thành lập kho ngoại quan tại Ô-man để phục vụ lưu trữ và phân phối hàng hóa tại các nước GCC; hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nhôm, Ô-man công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ; Ô-man tăng cường nhập khẩu lao động của Việt Nam, và hợp tác trong nhiều lĩnh vực tiềm năng khác như dầu khí, sản xuất phân đạm, thống kê, nông nghiệp, du lịch, tài chính, ngân hàng, đầu tư.

Với dân số chỉ hơn 3,0 triệu người,Ô-man có tổng thu nhập quốc nội năm 2013 đạt trên 80 tỉ USD (GDP bình quân đầu người rất cao, gần 27 ngàn USD). Hàng năm, Ô-man phải nhập khẩu khoảng trên 30 tỉ USD trị giá hàng hóa các loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, do nằm trong khối thị trường chung các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) với hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông, cảng biển khá phát triển, Ô-man còn có thể đóng vai trò là thị trường trung chuyển hàng hóa rất tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam.

Việt Nam và Ô-man thiết lập quan hệ ngoại giao chưa lâu (năm 2002), nhưng trong những năm gần đây, hai nước đều rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ nhiều mặt nhằm tận dụng tiềm năng sẵn có tại mỗi nước. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao sang thăm và làm việc lẫn nhau, đáng chú ý là các đoàn như: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng thăm Ô-man (12/2007); Bộ trưởng Bộ Công Thương Ô-man 3 lần thăm và làm việc tại Việt Nam (5/2007, 4/2008 và tháng 01/2011 nhân dịp Kỳ họp lần thứ 1 Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước tại Hà Nội); mới đây nhất là đoàn Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng tham dự Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 2 tại Mút-xcát (01/2014).

Việt Nam và Ô-man cũng đã ký kết một số hiệp định quan trọng, tạo nền tảng pháp lý cho quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển như: Hiệp định Hợp tác Hàng không (28/6/2003), Hiệp định Thương mại (05/2004), Hiệp định chống đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (4/2008), Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (01/2011).

Ơ cấp độ doanh nghiệp, một số thỏa thuận giữa các doanh nghiệp chủ chốt đã được ký kết và bước đầu được triển khai, trong đó có: Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí (12/2007) giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Dầu quốc gia Ô-man (OOC), Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Phòng Thương mại Ô-man (2007), Thỏa thuận Cổ đông thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam – Ô-man (Viet Nam - Oman Investment Joint Stock Company-VOI) giữa Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với 03 đối tác Ô-man (Quỹ Dự trữ Quốc gia Oman, Quỹ Đầu tư Ô-man, Tập đoàn Dầu khí Ô-man) (4/2008).

Mới đây, Ô-man đã chính thức công nhận nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Về quan hệ thương mại song phương

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam – Ô-man đạt 50,36 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ô-man đạt 31,18 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu từ Ô-man đạt 19,18 triệu USD, xuất siêu đạt 12 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2013 nước ta nhập siêu từ Ô-man trên 15 triệu USD).

Bảng: Trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam – Ô-man 9 tháng đầu năm 2014

Đơn vị tính: USD

Sản phẩm xuất khẩu

Kim ngạch

Sản phẩm nhập khẩu

Kim ngạch

Tàu thuyền các loại

 14.186.798

Chất dẻo nguyên liệu

  11.009.447

Cà phê

          4.625.729

Hoá chất

 4.268.175

Điện thoại di động và linh kiện

          3.876.066

Kim loại thường khác

  1.947.890

Hàng thủy sản

          2.347.281

Hàng thủy sản

     637.300

Lưới đánh cá

           913.211

Sản phẩm chất dẻo

    609.508

Máy móc thiết bị, dụng cụ & phụ tùng

            662.011

Sắt thép phế liệu

  543.171

Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện

     534.932

Sản phẩm đá thuộc chương 68

124.971

Hạt Tiêu

           485.725

Sản phẩm đá thuộc chương 25

       24.973

Hàng hóa khác

          3.550.792

Hàng hóa khác

       12.785

Tổng KNXK

        31.182.545

Tổng KNNK

19.178.220

Tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều

50.360.765

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu trong 9 tháng 2014 cũng đa dạng hơn (38 sản phẩm và nhóm sản phẩm được xuất khẩu so với 31 sản phẩm của năm 2013), các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ô-man gồm: tàu thuyền, cà phê, điện thoại di động và linh kiện, thủy sản, lưới đánh cá, máy móc phụ tùng, máy vi tính và linh kiện, hạt tiêu. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Ô-man gồm chất dẻo nguyên liệu và hóa chất (do Ô-man có ngành công nghiệp vật liệu tổng hợp và hóa chất từ dầu mỏ phát triển). Đáng chú ý là, bên cạnh một số sản phẩm tiêu dùng, Ô-man còn nhập khẩu từ Việt Nam các loại tàu, thuyền và lưới đánh cá để phục vụ cho ngành đánh bắt thủy sản trong nước.

Triển vọng quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Ô-man

Tuy đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhưng trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Ô-man còn rất khiêm tốn xét trong tổng thể mối quan hệ kinh tế đối ngoại giữa hai nước. Với tiềm năng sẵn có cũng như tính bổ sung của hai nền kinh tế, Việt Nam có nhu cầu lớn đối với nhiều nguyên liệu mà Ô-man đang sản xuất trong khi Ô-man cần bảo đảm an ninh lương thực và nhập khẩu các loại hàng hóa tiêu dùng phục vụ nhu cầu của người dân, hai nước cần phải tận dụng các lợi thế nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế trên mọi lĩnh vực, đa dạng hóa cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu hai chiều, tăng cường các hoạt động đầu tư trên nền tảng là các thỏa thuận đã được ký kết, thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như: dầu khí, lao động, khai thác và chế biến nông thủy sản

Lê Hồng Quang

Vụ Thị trường Châu Phi Tây Nam Á

Nội dung liên quan