Ngày 25/3/2019, Cục Kiểm dịch Nông sản (IAQA) thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia đã ra thông báo chính thức công nhận 11 phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam (trong đó có 08 phòng kiểm nghiệm xin gia hạn và 03 phòng kiểm nghiệm đăng ký mới) theo yêu cầu của Quy định số 55/2016 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp Indonesia về kiểm dịch, quản lý chất lượng thực phẩm.
Theo Quy định nói trên, các sản phẩm nông sản tươi có nguồn gốc thực vật phải được cấp chứng nhận bởi các phòng kiểm nghiệm công nhận bởi IAQA mới được phép xuất khẩu vào thị trường Indonesia. Phạm vi điều chỉnh của Quy định số 55/2016 bao gồm 100 mặt hàng chia thành các nhóm sau:
- Trái cây (43 loại) gồm: nho, bơ, táo, sầu riêng, bưởi, cam, chanh, dứa, đu đủ, xoài, đào, chuối,…
- Rau tươi (35 loại) gồm: măng tây, hành tây, tỏi, củ cải, súp lơ, ớt, ngô ngọt, nấm, khoai tây, dưa chuột, cà chua, cà rốt,…
- Ngũ cốc (7 loại) gồm: lúa mạch, gạo, lúa mì, ngô, yến mạch, lúa mạch đen, lúa miến
- Hạt (6 loại) gồm: hạnh nhân, hạt dẻ, hạt mác-ca, hạt hồ trăn, đậu phộng, quả hồ đào
- Đậu (5 loại) gồm: đậu nành, đậu xanh, đậu răng ngựa, đậu đũa, đậu Hà Lan
- Gia vị khác (4 loại) gồm: hạt cà phê, tiêu, đường mía, trà.
Có thể nói, việc IAQA công nhận 11 phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch của Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Indonesia - thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á với dân số trên 260 triệu người. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với IAQA để công nhận thêm các phòng kiểm nghiệm của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Xin tham khảo danh sách các phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm được phía Indonesia công nhận tại file gửi kèm.
Danh-sach-cac-phong-kiem-nghiem-duoc-IAQA-cong-nhan-aEZW8-H2iug.pdf