Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã tổ chức cuộc họp bất thường ngày 24⁄02⁄2024 ở Abuja, Nigeria nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, sau khi 3 quốc gia là Niger, Burkina Faso và Mali tuyên bố rút khỏi tổ chức khu vực này.
Theo đó, sau cuộc họp, ECOWAS cho biết khối này dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt áp đặt lên Niger liên quan đến cuộc đảo chính năm ngoái, trong một nỗ lực mới nhằm thúc đẩy đối thoại. Chủ tịch ECOWAS, Omar Alieu Touray, nêu rõ hôm 24/02 rằng, các biện pháp trừng phạt như vùng cấm bay, đóng cửa biên giới, ngừng các giao dịch tài chính, phong tỏa ngân hàng trung ương và tài sản Nhà nước với Niger đã được dỡ bỏ “có hiệu lực ngay lập tức”. Đây là tin vui đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với quốc gia Tây Phi này.
Trước đó, vào tháng 07/2023, Tổng thống Mohamed Bazoum của Niger đã bị phế truất trong một cuộc đảo chính quân sự, khiến ECOWAS phải đình chỉ thương mại và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước này. Trong thời gian Niger bị cấm vận, giao dịch giữa doanh nghiệp Niger và đối tác nước ngoài gần như bị ngưng trệ nhất là trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu cũng như thông quan hàng hóa. Do Niger nằm sâu trong lục địa, không có biển, nên các hoạt động xuất nhập khẩu của nước này phải sử dụng cảng biển quá cảnh của những quốc gia láng giềng như Benin (cảng Cotonou) và Ghana (Tema), sau đó hàng hóa được chuyên chở bằng đường bộ qua biên giới chung.
Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Niger đạt 16,93 triệu USD trong đó hàng dệt may chiếm tới 14,9 triệu USD, máy móc, thiết bị điện 1,85 triệu USD...