Thương vụ Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc xin giới thiệu Báo cáo tình hình nhập khẩu nông sản của Đài Loan năm 2024 đã được Thương vụ báo cáo tại Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại tháng 6 năm 2025 với chủ đề : "Xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam".
Đài Loan là một thị trường nông sản nhập khẩu tiềm năng với dân số khoảng 23,5 triệu người (2025) và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng ~34.000 USD/năm, mức chi tiêu cho thực phẩm và nông sản luôn chiếm tỷ trọng cao (~25–30% tổng chi tiêu tiêu dùng).
Về quy mô thị trường
Theo báo cáo của Cơ quan quản lý nông nghiệp Đài Loan, năm 2024 quy mô thị trường nông sản nhập khẩu đạt 18,05 tỷ USD và dự báo tăng trưởng khoảng 3-4% trong năm 2025.
Trong đó, nhập khẩu từ Hoa Kỳ cao nhất với 3,8 tỷ USD, tiếp theo là Brazil với 1,56 tỷ USD. Nếu tính gộp thêm Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, New Zealand, Thái Lan và Úc, thì bảy quốc gia nhập khẩu chính này chiếm khoảng 58% tổng giá trị nhập khẩu.
So với năm 23, tổng kim ngạch nhập khẩu từ bảy quốc gia chính giảm 300 triệu USD (giảm 2,8%). Trong đó, nhập khẩu từ Brazil giảm mạnh nhất với mức giảm 173 triệu USD (giảm 10,0%), chủ yếu do giá ngô giảm dẫn đến giá trị nhập khẩu giảm nhiều. Nhập khẩu từ Hoa Kỳ giảm 152 triệu USD (giảm 3,8%), đứng thứ hai. Giá trị nhập khẩu từ Úc, New Zealand và Thái Lan cũng giảm so với năm 2023; riêng nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục lại tăng 88 triệu USD (tăng 6,5%).
Việt Nam hiện nằm trong TOP 10 đối tác cung ứng nông sản cho Đài Loan với kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 650 triệu USD trong năm 2024.
Các nhóm hàng nông sản Đài Loan nhập khẩu chính trong năm 2024, Đài Loan tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng nông sản đa dạng. Trong đó nhóm lương thực đậu nành ngô và lúa mì là nhóm có kim ngạch lớn nhất chiếm 15,9% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản. Kế đến là thủy sản (11,2%), thịt gia súc 10,9% vv...
Nhóm hàng nông sản Đài Loan nhập khẩu chính năm 2024
Tổng thể, trong năm 2024, nhập khẩu nông sản của Đài Loan duy trì xu hướng ổn định với sự tăng trưởng tập trung chủ yếu ở nhóm rau củ quả tươi, thực phẩm chế biến và dầu thực vật. Trong khi đó, nhóm ngũ cốc và sản phẩm từ ngũ cốc có sự điều chỉnh nhẹ về kim ngạch nhập khẩu. Tỷ trọng nhập khẩu tập trung chủ yếu vào các nhóm rau củ quả và ngũ cốc, chiếm gần 52% tổng kim ngạch, cho thấy thị trường Đài Loan vẫn duy trì nhu cầu lớn đối với các mặt hàng nông sản thiết yếu này.
Yếu tố thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu
Nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn của Đài Loan xuất phát từ các yếu tố sau:
- Diện tích canh tác hạn chế: Đài Loan chỉ có khoảng 0,85 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm chưa đến 25% diện tích lãnh thổ, trong khi nhu cầu tiêu thụ nông sản vượt xa khả năng sản xuất nội địa. Tỷ lệ tự cung nông sản của Đài Loan chỉ đạt khoảng 32%, trong đó nhiều mặt hàng gần như hoàn toàn phải dựa vào nguồn cung nhập khẩu để bổ sung thiếu hụt trong sản xuất nội địa. Bên cạnh đó, Đài Loan cũng chịu sức ép do già hóa dân số và suy giảm lao động nông nghiệp, trên 16% dân số Đài Loan trên 65 tuổi, tốc độ già hóa nhanh nhất châu Á. Lao động trẻ rút khỏi ngành nông nghiệp → diện tích canh tác giảm, thiếu hụt lao động nông thôn → sản lượng nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu.
- Tỷ trọng nông nghiệp thấp: Nông nghiệp chỉ đóng góp 1,8% GDP Đài Loan (2024), khiến đảo này phụ thuộc lớn vào nhập khẩu.
- Thiên tai thường xuyên: Đài Loan là đảo nằm trong khu vực thường xuyên hứng chịu thiên tai như động đất, bão, mưa lớn kéo dài, gây ảnh hưởng nặng nề đến mùa màng. Đài Loan hứng chịu trung bình 10~12 cơn bão (trong đó có 3-4 cơn bão lớn) và hơn 1.000 trận động đất mỗi năm, gây thiệt hại mùa màng, đặc biệt với các loại cây trồng mùa vụ như lúa, rau củ. Tình trạng mất mùa cục bộ khiến nguồn cung nội địa trở nên thiếu ổn định, nhất là trong các giai đoạn chuyển mùa. Trong bối cảnh đó, nhu cầu nhập khẩu nông sản mang tính cơ cấu, không chỉ để bù đắp thiếu hụt mà còn để phục vụ thị hiếu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.
Thị hiếu tiêu dùng nhập khẩu nông sản của Đài Loan
Thị trường tiêu dùng Đài Loan đang chứng kiến sự thay đổi rõ rệt về xu hướng, với trọng tâm ngày càng nghiêng về chất lượng, tính bền vững và sự tiện lợi. Người tiêu dùng Đài Loan sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn cho những sản phẩm nông sản được chứng nhận an toàn thực phẩm, hữu cơ hoặc thân thiện với môi trường. Theo một khảo sát gần đây, khoảng 85% người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm có chứng nhận an toàn thực phẩm, trong khi gần 70% quan tâm đến yếu tố bao bì thân thiện với môi trường và quy trình sản xuất bền vững.
Về khẩu vị và sở thích, người Đài Loan đặc biệt ưa chuộng các loại trái cây nhiệt đới có hương vị đặc trưng và mới lạ, như thanh long ruột đỏ, sầu riêng, dừa tươi, xoài chín cây, v.v. Đây là nhóm sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu do điều kiện khí hậu và mùa vụ phù hợp.
Ngoài ra, sự thay đổi trong lối sống hiện đại, đặc biệt là ở giới trẻ, dân văn phòng và các gia đình thành thị, đang tạo nên nhu cầu cao đối với các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến và bảo quản, như trái cây sấy dẻo, nước ép đóng chai, rau củ cắt gọt sẵn hoặc đóng gói hút chân không. Những mặt hàng này không chỉ đáp ứng được tiêu chí "ăn nhanh, sống khỏe" mà còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng bận rộn của xã hội đô thị.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Đài Loan vẫn giữ tâm lý thận trọng với các sản phẩm chưa có thương hiệu rõ ràng hoặc đến từ các thị trường bị gắn mác là giá rẻ, trong đó có Việt Nam. Do vậy, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm định chất lượng và chiến lược xây dựng thương hiệu rõ ràng là những yếu tố rất quan trọng để sản phẩm nông sản Việt Nam có thể chinh phục người tiêu dùng Đài Loan.
Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa tiêu dùng theo mùa cũng ảnh hưởng lớn đến thị hiếu ở Đài Loan. Người dân nơi đây có xu hướng tiêu thụ nhiều loại trái cây theo mùa vụ (mango season, lychee season, v.v.) và chuộng hàng nhập khẩu tươi đúng mùa, hơn là sản phẩm trái vụ bảo quản dài ngày.