| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Vương quốc Anh

Thị trường Anh vốn nổi tiếng khó tính, đang dần trở nên quen thuộc với những sản phẩm mang thương hiệu "Made in Vietnam". Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Anh đạt hơn 7,7 tỷ USD, tăng 18,1% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam thặng dư hơn 6,1 tỷ USD, tăng 21,4%. Giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 6,9 tỷ USD, cao hơn 19,5% so với cùng kỳ.

Các loại nông sản, hải sản, mì, phở khô, trái cây tươi... đã trở nên quen thuộc trên bàn ăn của nhiều gia đình Anh. Việc các chuỗi siêu thị lớn như Tesco, Sainsbury’s hay các siêu thị thực phẩm cao cấp như Whole Food lựa chọn nhập khẩu và phân phối các sản phẩm Việt Nam là một minh chứng rõ ràng cho chất lượng và sự đa dạng của hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, các siêu thị người Việt và siêu thị chuyên kinh doanh hàng châu Á cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu và phân phối các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam đến người tiêu dùng Anh. Tại đây, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy các sản phẩm gạo, trà, cà phê, bánh kẹo đặc sản vùng miền, bánh đa nem, bánh tráng, mì, phở, bún khô cũng như các loại rau xanh, rau thơm, trái cây tươi...

Sự cải thiện đáng kể về chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp hàng hóa Việt Nam chinh phục được thị trường Anh. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Đặc biệt, sự đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và chủng loại sản phẩm cũng là một lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Từ thời trang, thủ công mỹ nghệ đến nông sản, thực phẩm, hàng hóa Việt Nam luôn mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn.

Giá cả hợp lý luôn là một yếu tố thu hút người tiêu dùng. Hàng hóa Việt Nam với mức giá cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại đã tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh. Hơn nữa, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh, giúp giảm thuế và các rào cản thương mại.

Theo bà Hoàng Lê Hằng, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên các kệ siêu thị tại Anh là tín hiệu đáng khích lệ, cho thấy hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và tìm được chỗ đứng trên thị trường Anh, vốn đang tìm kiếm đa dạng nguồn cung sau khi Anh rời Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được, hàng hóa Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức như cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, rào cản kỹ thuật, thủ tục hải quan... Để duy trì và phát triển vị thế của mình trên thị trường Anh, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh, mở rộng thị trường và tìm kiếm các đối tác phân phối uy tín.

Theo bà Hằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) đã tạo ra một cú hích lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả đã giúp các sản phẩm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ những nước chưa có hiệp định thương mại tự do với Anh. Bên cạnh đó, sự năng động của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang Anh.

Đánh giá về triển vọng thương mại Việt Nam - Anh trong thời gian tới, bà Hoàng Lê Hằng nhận định thương mại song phương có tiềm năng tăng trưởng vững được thúc đẩy nhờ UKVFTA, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam và nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tăng ở cả hai quốc gia. Đặc biệt, việc Anh chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang Anh, một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

Tuy nhiên, song song với việc Anh chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cạnh tranh vào thị trường này sẽ trở nên khốc liệt hơn. Do Anh cam kết mở cửa thị trường mới (ngoài cam kết trong UKVFTA) đối với một số sản phẩm Việt Nam, trong đó có hạn ngạch thuế quan đối với gạo thơm, cá ngừ, mật ong, cũng tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều quốc gia thành viên CPTPP khác cũng có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và đang tìm cách thâm nhập thị trường Anh.

Để duy trì tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang Anh, ngoài yếu tố chất lượng và giá cả, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, trong đó đó xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường gắn với phát triển bền vững ngày càng tăng tại Anh. Việc CPTPP yêu cầu các thành viên tuân thủ các tiêu chuẩn cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lao động, bảo vệ môi trường và quản lý doanh nghiệp đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn ổn định, cũng như phải tổ chức tốt chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối và đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP, xu thế toàn cầu về thương mại xanh và công bằng để duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Thương vụ Việt Nam tại Anh

Nội dung liên quan