| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tài liệu cơ bản cộng hòa Mozambique

 

I. Khái quát:

Vị trí địa lý: Cộng hoà Mozambique nằm ở phía Đông Nam châu Phi, có biên giới với Tanzania, Malawi, Zambia, Zimbabwe và Nam Phi

Diện tích: 799.380 km2.

Dân số: 25,3 triệu người (2015) (99.66% là người châu Phi bản địa).

Tôn giáo: đạo Thiên chúa giáo 23.8%, Đạo Hồi 17.8%, đạo Zion 17.5%, các tôn giáo khác 17.8%, không tín ngưỡng 23.1%

Tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chính thức

Thủ đô: Maputo

Khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới

Đơn vị tiền tệ: Đồng metical. 1 USD = 48,7 metical

Quốc khánh:  25/06/1975

Tổng thống: Filipe Nyusi (từ 2015)

Thủ tướng: Carlos Agostinho do Rosario (từ 17/01/2015)

Thể chế: Cộng hoà

II. Lịch sử - chính trị

Năm 1498, khi Vasco De Gama đến Mozambique, thì các cư dân địa phương đã có nhiều hoạt động giao thương với các lái buôn Ả rập, một phần lớn dân số đã cải đạo thành đạo Hồi. Dần dần người Bồ Đào Nha đã thiết lập sự cai trị của mình tại đây.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, với sự ra đời của hệ thống XHCN do Liên-xô cũ đứng đầu và với sự lớn mạnh của phong trào giải phóng dân tộc ở Á Phi và Mỹ la tinh, ngày 25/6/1962, Mặt trận Giải phóng Mozambique (FRELIMO) ra đời, lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Mozambique chống thực dân Bồ Đào Nha, góp phần lật đổ chính quyền phát xít Bồ Đào Nha (25/4/1974). Chính quyền mới Bồ Đào Nha đã ký Hiệp định Lusaka (7/9/74) công nhận quyền độc lập của Mozambique. Ngày 25/6/1975, Chủ tịch FRELIMO, Samora Machel tuyên bố thành lập nước CHND Mozambique (nay là CH Mozambique). Nhưng sau đó, từ năm 1976 đến năm 1992, nước này lâm vào một cuộc nội chiến đẫm máu, cướp đi sinh mạng của gần 1 triệu người.

Tháng 10/1994 cuộc tổng tuyển cử đa đảng đầu tiên ở Mozambique đã bầu trực tiếp Tổng thống và 250 đại biểu Quốc hội. Ông Joaquim Alberto Chissano, Chủ tịch Đảng FRELIMO đắc cử Tổng thống, Đảng FRELIMO giành được 129 trong tổng số 250 ghế đại biểu Quốc hội. Ngày 9/12/1994, Tổng thống J.A.Chissano tuyên thệ nhậm chức và thành lập Chính phủ đoàn kết, hòa hợp dân tộc

Ngày 30 tháng 10 năm 2014, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Mozambique (CNE) đã công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống hôm 15/10, theo đó, ông Filipe Nyusi - ứng cử viên tổng thống của đảng Frelimo cầm quyền – đã giành chiến thắng áp đảo và trở thành tổng thống thứ 4 của Mozambique kể từ khi quốc gia này giành độc lập. Tháng 1 năm 2015, Ngài Carlos Agostinho do Rosario đã được cử giữ chức Thủ tướng nước Cộng hòa Mozambique.

III. Kinh tế

Các chỉ số kinh tế (năm 2015):

- GDP: 17 tỷ USD

- Tăng trưởng GDP: 7%

- GDP bình quân đầu người: 1.300 USD

- Tỷ lệ lạm phát: 2,7%

Sau khi giành được độc lập (1975), Mozambique áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung của các nước XHCN, thực hiện Chương trình 10 năm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Hiện nay, nước này đang áp dụng cơ cấu kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Mozambique có tỷ lệ tăng dân số ở mức cao 2,8% và ước tính có khoảng 300.000 người bổ sung vào lực lượng lao động mỗi năm. Tỷ lệ thất nghiệp tổng thể ở mức 17%. Chính phủ Mozambique đã triển khai thực hiện Kế hoạch hành động giảm nghèo (PARP) giai đoạn 2011-14, tập trung vào việc tăng sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy việc, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), đầu tư phát triển con người và xã hội.

Đầu năm 2012, đã phát hiện mỏ khí đốt lớn tại Mozambique với trữ lượng ước tính khoảng 1.000 tỷ mét khối. Tổng khối lượng khí đốt tự nhiên của Mozambique đã được xác nhận là 26.000 tỷ mét khối, đưa nước này vào hàng các quốc gia khí đốt hàng đầu trên thế giới.

Sự gia tăng về sản lượng than từ các dự án khai thác than lớn đi vào hoạt động, cùng với tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ, tài chính, vận tải và thông tin liên lạc, và xây dựng, giúp đẩy tốc độ tăng trưởng GDP lên 7,5% trong năm 2012 (cao hơn so với năm 2011 với 7,2%). Đến năm 2013, tốc độ tăng trưởng của quốc gia này đã chậm lại, đạt 7,0%. Năm 2014, GDP của Mozambique tăng trưởng cao trở lại, đạt 8,3%. Tốc độ tăng trưởng trung bình của Mozambique rất ấn tượng khoảng 7,4% trong thập kỷ qua. Việc tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chủ yếu là trong ngành công nghiệp khai khoáng, cùng với tăng trưởng nông nghiệp mạnh mẽ và đầu tư cơ sở hạ tầng dự báo sẽ thúc đẩy GDP tăng trưởng trong những năm tới.

Mặc dù tăng trưởng cao, song chính sách thắt chặt tiền tệ phù hợp của Ngân hàng Trung ương đã giúp giảm lạm phát từ 10,8% trong năm 2011 xuống 7,2% vào năm 2012 và tiếp tục giảm xuống mức 4,4% trong năm 2013 và 3% trong năm 2014. Trong khi đó, các biện pháp hỗ trợ người nghèo được chuẩn bị từ năm 2011, cùng với một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng làm tăng thâm hụt ngân sách từ -3,3% trong năm 2011 lên -6,8 và -7,4% trong năm 2012 và 2013. Năm 2014 con số này là - 9,9%.

Mozambique chiếm 70% lượng hàng hoá quá cảnh của khối SADC (Cộng đồng phát triển miền Nam Châu Phi), có hành lang vận tải liên kết các cảng nước sâu ven biển với các nước láng giềng trong đất liền. Nước này chiếm một trong các tỷ lệ viện trợ/GDP cao nhất ở châu Phi, trung bình 89,2 USD/đầu người, mặc dù FDI là động lực chính cho sự phát triển kinh tế.

Về cơ cấu kinh tế, Mozambique là một nước nông nghiệp. Nông nghiệp thu hút khoảng 81% lực lượng lao động và đóng góp vào khoảng 28,9% GDP. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của nước này là: sợi bông, mía, chè, lúa miến, cùi dừa, lạc hạt điều, hoa quả nhiệt đới, khoai tây, bò. Trước đây Mozambique xuất khẩu hạt điều 29.000 tấn/năm đứng thứ ba châu Phi. Sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được như cầu trong nước, do vậy hàng năm, Mozambique phải nhập từ 20-30 vạn tấn gạo. Đây là cơ hội để gạo của Việt Nam thâm nhập thị trường này.

Công nghiệp chỉ thu hút 6% lao động nhưng đóng góp vào 24% GDP của cả nước. Mozambique xuất khẩu lượng điện tương đối lớn nhờ có đập thuỷ điện nổi tiếng Cahora Basa. Ngành dịch vụ của Mozambique khá phát triển, thu hút 13% lực lượng lao động và đóng góp 47,1% GDP. Các dịch vụ cảng, đường giao thông quá cảnh sang các nước láng giềng là nguồn thu ngoại tệ lớn cho nền kinh tế nước này.

Về ngoại thương, năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Mozambique đạt 4,4 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu vẫn còn hạn chế, với hơn một nửa xuất khẩu là nhôm. Chỉ có 15 mặt hàng xuất khẩu hàng năm có kim ngạch cao hơn 1 triệu USD. Xuất khẩu than, mới chỉ bắt đầu từ năm 2011, dự kiến ​​sẽ vượt qua nhôm là mặt hàng xuất khẩu chính. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này là nhôm, tôm, điều, bông, đường, gỗ xây dựng, cam quýt. Các nước mà Mozambique xuất hàng sang chủ yếu là Bỉ, Nam Phi, Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ấn Độ…

Trong năm 2014, kim ngạch nhập khẩu của Mozambique đạt xấp xỉ 9 tỷ đô-la Mỹ. Mozambique vẫn phải nhập khẩu một khối lượng lớn máy móc, phương tiện vận tải, nhiên liệu và hàng tiêu dùng. Các thị trường nhập khẩu chính của quốc gia này là Nam Phi, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Bồ Đào Nha... Ngoài ra, nước này được hưởng ưu đãi của thị trường châu Âu theo Hiệp định Đối tác Kinh tế châu Âu Union/SADC đã ký năm 2009.

IV. Đối ngoại

Tháng 7/2003, Mozambique là Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi (AU).

Tháng 12 năm 2004, Mozambique đã trải qua một thời kỳ chuyển giao quyền lực khi Joaquim Chissano rút lui khỏi chính trường sau 18 năm lãnh đạo đất nước. Cuộc bầu cử Tổng thống đã diễn ra vào tháng 12 năm 2004 với thắng lợi thuộc về Armando Emilio Guebuza. Người kế nhiệm ông cam kết sẽ tiếp tục các chính sách kinh tế khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Mozambique là thành viên Phong trào Không Liên Kết, PALOP (Các nước nói tiếng Bồ), Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth). Mozambique ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng, khu vực và các nước bạn bè truyền thống như Nga, Trung Quốc, Việt Nam.

V. Quan hệ Việt Nam – Mozambique

1. Quan hệ chính trị, ngoại giao:

Việt Nam và Mozambique có quan hệ chính trị tốt đẹp từ lâu. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 25/06/1975. Hai bên đã cử nhiều đoàn Đảng và Chính phủ sang thăm và học hỏi kinh nghiệm của nhau. Hai nước đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế, Văn hoá, Khoa học kỹ thuật (1978) và các nghị định thư hợp tác khác (1981). Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp sang làm việc ở Mozambique và được bạn đánh giá rất cao.

Tháng 10/2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có chuyến thăm chính thức Mozambique. Nhân chuyến thăm Mozambique của Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (11/2003), Bộ Thương mại Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại với Bộ Thương mại Bạn để tạo khung pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước hoạt động.

Ngày 23/05/2006, nhân chuyến thăm của Đoàn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mozambique, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về nông nghiệp. Đầu tháng 4/2008, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã sang thăm chính thức Mozambique trong khuôn khổ chuyến thăm Mozambique và Angola.

Tháng 6/2008, Bộ trưởng Công Thương Mozambique đã sang thăm Việt Nam. Hai bên đã thảo luận cụ thể về một số nội dung như công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ.

Tháng 6 năm 2014, Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Mozambique đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Mozambique. Tại Kỳ họp, hai Bên đã rà soát, đánh giá, cũng như thống nhất đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mozambique.

Tháng 5 năm 2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã sang thăm và làm việc tại Mô-dăm-bích. Hai Bên đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực bao gồm chính trị-ngoại giao, thương mại, công nghiệp, đầu tư, nông nghiệp, vận tải, xây dựng, viễn thông, giáo dục... Bên cạnh những nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam như hàng nông sản, vật liệu xây dựng, dây điện, dây cáp điện..., phía Mô-dăm-bích cũng cam kết xem xét tích cực đề nghị của ta về mở kho ngoại quan, xây dựng các trung tâm phân phối hàng hóa của ta vào thị trường nước này.

2. Quan hệ thương mại:

Việt Nam và Mô-dăm-bích đã ký Hiệp định Thương mại năm 2003 để tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước hoạt động. Cho đến nay kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã có những bước phát triển mới nhưng vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước.

Năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước giảm so với năm 2014, đạt 65,9 triệu USD, giảm 32,4%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 59,4 triệu USD, giảm 24,4%. Nguyên nhân là các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam đều giảm sút: gạo (11,4 triệu đô-la Mỹ, giảm 43%),  Phân NPK (7 triệu USD, giảm 26%)…

Nhập khẩu của Việt Nam từ Mô-dăm-bích trong năm 2015 cũng giảm so với năm 2014, đạt khoảng 6,5 triệu đô-la Mỹ, giảm 65,6%. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là thức ăn gia súc và nguyên liệu (2,4 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ (1,1 triệu USD, giảm 45%), bông các loại (0,66 triệu USD, giảm 84%)...

 

 

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Mô-dăm-bích

     Đơn vị: triệu đô-la Mỹ

 

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Xuất khẩu

32,8

71,6

85,6

90,7

78,6

59,4

Nhập khẩu

12,5

16,4

15

21,9

18,9

6,5

Tổng kim ngạch

45,3

88

100,6

112,6

97,5

65,9

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Vụ Thị trường Châu Phi Tây Nam Á

Nội dung liên quan