Thâm hụt cán cân thương mại của Algeria đã giảm 68% còn 1,3 tỷ USD tính đến cuối tháng 5/2021 trong khi cùng kỳ năm trước là 3,9 tỷ USD. Kết quả này có được nhờ nhiều biện pháp quản lý ngoại thương của Chính phủ nhằm cắt giảm nhập khẩu hiện còn 15,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2019.
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Kim ngạch xuất khẩu của Algeria trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 13,9 tỷ USD. Mục tiêu tăng xuất khẩu, nhất là hàng phi dầu lửa đang đi đúng hướng với mức tăng lên tới 81,71% trong khi xuất khẩu dầu khí tăng 32,7%. Tỷ lệ bù đắp nhập khẩu bằng xuất khẩu đã được cải thiện đáng kể, đạt 92% vào cuối tháng 5/2021 trong khi cùng kỳ năm trước là 72%.
Các nước cung cấp hàng hóa chính cho Algeria là Trung Quốc, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha.
Các thị trường nhập khẩu hàng hóa chính của Algeria gồm Italia, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Hà Lan.
Với việc giá dầu xuất khẩu giữ ở mức cao khoảng 70 USD/thùng trong những tháng gần đây, dự trữ ngoại tệ của Algeria đang có dấu hiệu cải thiện. Tính đến cuối năm 2020, dự trữ ngoại hối của nước này vào khoảng 42 tỷ USD, giảm 20 tỷ USD trong vòng một năm (62 tỷ USD cuối năm 2019). Tuy nhiên, Luật tài chính 2021 dự báo sẽ có sự tăng dự trữ ngoại hối, đạt mức 47,5 tỷ USD vào cuối năm 2021, tăng gần 5 tỷ USD. Kết quả tích cực này chủ yếu dựa vào chiến lược giảm nhập khẩu của Algeria với mục tiêu đưa kim ngạch nhập khẩu xuống còn 28,2 tỷ USD trong năm 2021. Theo Bộ Thương mại Algeria, năm 2020, kim ngạch nhập khẩu của quốc gia Bắc Phi này đã giảm 18% so với năm trước đó, chỉ còn 34,4 tỷ USD.
Xuất khẩu dầu khí của Algeria tăng 45%, đạt 12,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.
Theo Tập đoàn dầu khí Sonatrach, Algeria đã xuất khẩu 41 triệu tấn quy dầu (MTEP) trong 5 tháng đầu 2021 (so với 33 MTEP cùng kỳ năm 2020), đạt 12,6 tỷ USD tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn này dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu dầu khí từ 28 đến 30 tỷ USD năm 2021, nếu giá dầu duy trì ở mức từ 65 đến 70 USD/thùng. Năm 2020, do tác động cua đại dịch Covid-19, Sonatrach chỉ thực hiện doanh thu xuất khẩu là 20 tỷ USD, giảm 39% so với năm 2019 (33 tỷ USD).
Mặc dù giá dầu khí đang thuận lợi song Sonatrach khẳng định sẽ chỉ xuất khẩu số lượng theo kế hoạch, không tối đa hóa xuất khẩu vì sẽ làm ảnh hưởng đến việc vảo vệ các giếng dầu và việc giữ cân bằng các mỏ dầu khí là rất quan trọng.
Về nhập khẩu các sản phẩm dầu lửa, Sonatrach cũng đã giảm từ 668 triệu tấn xuống còn 112 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2021.
Ông Toufik Hakkar, Chủ tịch-TGĐ của Sonatrach cho biết năm 2024, nhà máy lọc dầu tại tỉnh Hassi Messaoud sẽ đi vào hoạt động. Tập đoàn đã tăng năng lực sản xuất các sản phẩm dầu để tiến tới chấm dứt nhập khẩu sau khi đưa vào vận hành hai nhà máy lọc dầu tại Alger và Skikda.
Tập đoàn cũng đã tăng được thị phần trên thế giới khi gia hạn hợp đồng với đối tác, giảm, thậm chí ngừng nhập khẩu dầu mazut kể từ tháng 8/2020. Sonatrach cũng quyết tâm đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tập đoàn đang triển khai một dự án lớn về nghiên cứu nâng cao năng lực của Algeria trong ngành công nghiệp hóa dầu.
Trong năm 2020, Sonatrach đã đăng ký đầu tư hơn 2 triệu USD trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí tại Niger, Tunisia và Libya.
Xuất khẩu các mặt hàng ngoài dầu khí của Algeria tăng 81,80% trong 5 tháng đầu năm.
Theo Bộ Thương mại Algeria, 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm ngoài dầu khí của Algeria đạt 1,55 tỷ USD, tăng 81,80% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 11,13% tổng giá trị xuất khẩu của nước này.
Có tổng cộng 910 doanh nghiệp xuất khẩu với các sản phẩm chính là phân bón hữu cơ khoáng và phân đạm, đạt 412,26 triệu USD, tăng 22,40%.
Kim ngạch xuất khẩu thực phẩm đạt 242,05 triệu USD, tăng 40,74%, tiếp đến là dầu và các sản phẩm từ than (207,22 triệu USD, + 132,70%).
Giá trị xuất khẩu đường đạt 146,71 triệu USD, tăng 47,31%, xi măng đạt 75,73 triệu USD, tăng 221,84%.
Kim ngạch xuất khẩu chà là đạt 49,49 triệu USD, tăng 19,98%.
Mục tiêu của chính phủ Algeria là xuất khẩu từ 4-5 tỷ USD các mặt hàng ngoài dầu khí trong năm 2021.
Về chính sách ngoại thương, Bộ Thương mại nước này vừa thông báo cho toàn bộ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, chế biến và tái chế sắt vụn việc chính phủ cho phép xuất khẩu trở lại các mặt hàng tái chế từ sắt vụn, kim loại mầu.
Các mặt hàng bán thành phẩm có thể xuất khẩu theo quy định mà Bộ Thương mại soạn thảo với sự tham gia của các bộ Môi trường, Công nghiệp và Tài chính với điều kiện nhà sản xuất phải đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật, có giấy phép xuất khẩu do cơ quan chức năng của Bộ Thương mại cấp.
Quyết định mới này nhằm phát triển ngành hàng một cách liên tục và bền vững ở thị trường trong nước cũng như quốc tế, mục đích là thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực này, tạo ra một ngành hàng xuất khẩu mới, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu ngoài dầu khí.
Cũng liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu, tại phiên họp Hội đồng Bộ trưởng ngày 17/5/2021, Tổng thống Abdelmadjid Tebboune đã ra lệnh cấm 05 mặt hàng nhập khẩu là đá hoa cương (marble), gốm, sứ, máy biến áp và máy phát điện, những sản phẩm mà Algeria có thể sản xuất được. Mục đích của lệnh cấm nhằm giảm hóa đơn nhập khẩu và khuyến khích sản xuất trong nước trong bối cảnh các nguồn thu ngân sách thiếu hụt.
Hoàng Đức Nhuận