Trong bối cảnh xuất nhập khẩu của nước ta khó khăn từ đầu năm 2023, ngành gạo thực sự là một điểm sáng trong nhóm hàng nông nghiệp khi vẫn đón nhận tin vui từ xuất khẩu.
Tính chung 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo có tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng nông sản, đạt trên 2 tỷ USD, tăng tới gần 50% so với cùng kỳ năm 2022. Chiến lược giảm lượng, tăng chất của ngành lúa gạo đang phát huy hiệu quả để đưa lúa gạo trở thành điểm sáng xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nguyên nhân của việc xuất khẩu gạo là điểm sang bởi giá gạo Việt Nam trong tháng 4 đã tăng mức cao nhất trong hai năm.
Về giá trị hạt gạo, các chuyên gia cho rằng, sản phẩm chế biến từ gạo là con đường giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam lên rất nhiều lần. Tuy nhiên, muốn sản phẩm chế biến có mặt ở châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…, đòi hỏi phải có sự đầu tư về mặt công nghệ, khoa học kỹ thuật. Gia tăng giá trị xuất khẩu sẽ phải tăng sản phẩm chế biến nhiều hơn. Việc này vừa giảm sản lượng gạo xuất khẩu mà vẫn có được giá trị cao.
Về thị trường xuất khẩu, cũng theo chủ tịch VFA nhận định, những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Úc và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam vì đang rất được người tiêu dùng các thị trường này ưa chuộng. Điều đó cho thấy mặt hàng gạo của nước ta vẫn còn nhiều thị trường tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu. 5 tháng đầu năm, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam đạt 1,29 triệu tấn, tương đương 647,5 triệu USD, tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, Indonesia tăng mua gấp 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, thị trường châu Phi cũng là thị trường tiềm năng của gạo Việt. Việt Nam hiện xuất khẩu gạo sang 54 quốc gia châu Phi với khối lượng đạt trên 600.000 tấn. Trong đó, các thị trường nhập khẩu gạo lớn gồm Ghana, Bờ Biển Ngà, Senegal, Mozambique, Cameroon, Tanzania, Ai Cập…
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình xuất khẩu gạo trong quý II của Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng và kéo dài cả năm. Đặc biệt, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, giúp Việt Nam tiêu thụ gạo thuận lợi.