Thực hiện Quyết định số 5000/BCT-QĐ ngày 08/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt bổ sung chương trình XTTM quốc gia năm 2009, Bộ Công Thương VN đã tổ chức đoàn giao thương và khảo sát thị trường Bê-nanh từ ngày 29/11 đến ngày 06/12/2009. Đoàn gồm 16 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, nông-lâm- thuỷ sản, máy nông nghiệp, dược phẩm, xây dựng các công trình thuỷ lợi, sản phẩm nhựa… do đ/c Trần Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ KV4 dẫn đầu.
Trong thời gian ở Bê-nanh, đoàn đã tham dự Cuộc gặp giữa Bên mua/Bên bán trong lĩnh vực dệt may giữa ba vùng kinh tế (Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi – UEMOA, Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi –CEMAC và Khu vực Mê-kông nói tiếng Pháp) do Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại Quốc tế (CCI) phối hợp với Bộ Thương mại Bê-nanh đồng tổ chức. Tham dự Hội thảo có 93 đại biểu đến từ 9 quốc gia (Bê-nanh, Buốc-ki-na Pha-xô, Ca-mơ-run, Công-gô, Ma-li, Xê-nê-gan, CH Tchad, Tô-gô và Việt Nam), đặc biệt phiên khai mạc và bế mạc có sự hiện diện của Ngài Bộ trưởng Quốc Phòng, Đại diện cho Tổng thống Bê-nanh và Bộ trưởng Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bê-nanh. Trong ba ngày diễn ra hội thảo (từ 1-3/12), các đại biểu đã có thêm nhiều thông tin về cung - cầu trong lĩnh vực dệt may của ba vùng kinh tế. Theo ban tổ chức, 81 DN dệt may của các nước tham gia đã có 537 cuộc gặp song phương với tổng giá trị đơn hàng thoả thuận khoảng 250 triệu Franc CFA (tương đương 6 triệu USD). Các DN Việt Nam đã có những cuộc tiếp xúc với các DN Tây và Trung Phi để giới thiệu sản phẩm và tìm hiểu khách hàng, trong đó đáng chú ý là Tập đoàn Vinatex đang đàm phán với Công ty Phát triển Bông (SODECO) của Bê-nanh để mua khoảng 100.000 tấn bông mỗi năm.
Cũng trong thời gian ở Bê-nanh, Đoàn Việt Nam đã lần lượt được Thứ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Quốc phòng Đại diện Tổng thống Bê-nanh và Chủ tịch Phòng TM và CN Bê-nanh tiếp thân mật. Tại các cuộc gặp này, Đại diện Bộ Công Thương VN và Lãnh đạo các cơ quan hữu quan Bê-nanh đã thông báo cho nhau tình hình kinh tế, TM mỗi nước, điểm lại tình hình trao đổi thương mại song phương và bàn các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới. Hai bên nhất trí cho rằng mặc dù thời gian qua, trao đổi thương mại song phương đã có bước tăng trưởng song giá trị XNK vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của hai nước. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XNK Việt Nam-Bê-nanh mới đạt khoảng 30 triệu USD trong đó VN xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm dệt may, gạo, nguyên phụ liệu thuốc lá, dầu ăn… và nhập khẩu các mặt hàng bông, điều thô, gỗ, sắt vụn… Phía Bê-nanh cho biết, với các lợi thế như tình hình chính trị ổn định, có vị trí chiến lược nằm sát thị trường Ni-giê-ri-a rộng lớn với 150 triệu dân, lại có cảng biển Cotonou và chợ quốc tế Dantokpa lớn nhất khu vực Tây Phi, Bê-nanh là một địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài đến sản xuất và xuất khẩu hàng sang khu vực Tây và Trung Phi. Ngoài ra, Bê-nanh còn ký các Hiệp định ưu đãi thuế với EU và Mỹ nên các nhà đầu tư vào Bê-nanh có thể xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường này mà không phải trả thuế cao. Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, hai bên cho rằng các cơ quan hữu quan hai nước cần tăng cường trao đổi thông tin, các đoàn cấp bộ, cấp doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cũng trong thời gian này, Đoàn đã phối hợp với Thương vụ ĐSQ VN tại Ma-rốc và Phòng TM và CN Bê-nanh tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Bê-nanh với khoảng 120 đại biểu tham dự. Các DN VN có dịp tìm hiểu những cơ hội cũng như những chính sách khuyến khích kinh doanh và đầu tư của Bê-nanh… Ngoài dệt may, các DN của ta trong lĩnh vực hải sản, nông sản, máy nông nghiệp, dược phẩm, nhựa… đã có những cuộc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Sau Hội thảo, một số DN Việt Nam đã đến các cơ sở kinh doanh của khách hàng để thăm quan, tìm hiểu và thoả thuận hợp đồng.