Dữ liệu do Cơ quan quản lý Tài chính Đài Loan (MOF) tổng hợp cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Đài Loan trong tháng 10/2022 đạt 76,88 tỷ USD, tăng 3,53% so với cùng kỳ năm 2021.
(Nguồn: MOF)
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 39,93 tỷ USD, giảm 0,45% so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch nhập khẩu đạt 36,95 tỷ USD, tăng 8,22% so với cùng kỳ và riêng trong tháng này Đài Loan đạt mức xuất siêu 2,98 tỷ USD, giảm 50,06% so với cùng kỳ.
Lũy kế, 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Đài Loan đạt 771,69 tỷ USD, tăng 14,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 407,67 tỷ USD, tăng 11,95% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu đạt 364,01 tỷ USD, tăng 16,95 % so với cùng kỳ.
Xuất siêu trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 43,65 tỷ USD, giảm 17,456% so với cùng kỳ.
Số liệu của MOF cho thấy, xuất khẩu của Đài Loan trong tháng 10 đã trải qua tháng thứ hai liên tiếp sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái và xu hướng giảm có thể tiếp tục trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu.
MOF cho biết, mặc dù kết quả xuất khẩu trong tháng 10 tốt hơn dự kiến, nhưng xu hướng giảm nói chung vẫn có thể tiếp tục trong các tháng tới bởi theo MOF sự sụt giảm chủ yếu là do cơ sở so sánh cao, lạm phát và chu kỳ tăng lãi suất trên toàn thế giới.
Về đối tác, xuất khẩu của Đài Loan trong tháng 10 sang Trung Quốc và Hồng Kông - những đối tác mua hàng hóa do Đài Loan sản xuất lớn nhất đã giảm 9,2% so với một năm trước đó xuống 14,72 tỷ USD, thấp nhất trong gần 20 tháng.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang 04 nhóm thị trường lớn khác lại tăng, trong đó Nhật Bản đạt mức tăng trưởng mạnh nhất 18,7% lên 3,14 tỷ USD nhờ nhu cầu ổn định đối với các linh kiện điện tử do Đài Loan sản xuất.
Các nước ASEAN đã mua 6,69 tỷ USD hàng hóa từ Đài Loan trong tháng 10, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt tăng 3,1% và 1,5% so với một năm trước đó lên 6,41 tỷ USD và 3,81 tỷ USD trong tháng 10.
Thống kê của MOF cho thấy, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vẫn đang là đối tác cung ứng hàng hóa lớn nhất cho Đài Loan chiếm 19,1% thị phần cung ứng hàng hóa cho Đài Loan trong cùng kỳ. Kế đến là ASEAN (13,4% thị phần), EU (12,5% thị phần), Nhật Bản (11,8% thị phần), Mỹ (10,6% thị phần) và Trung Đông (7,9%).
Về triển vọng, MOF cho biết, sự suy thoái chắc chắn sẽ còn kéo dài trong một thời gian khi các cơn gió ngược kinh tế toàn cầu thu hút động lực tăng trưởng, gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của Đài Loan. MOF dự đoán, kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan có thể giảm từ 5 đến 8% trong tháng 11 này.
Ngoài ra, theo MOF, do mức cao so với năm ngoái, xuất khẩu trong quý IV năm nay có thể sẽ giảm so với một năm trước.