| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Xu hướng hợp tác quốc tế ngành Halal tại khu vực Đông Nam Á

Thị trường Halal khu vực Đông Nam Á diễn biến sôi động, đáng chú ý là các xu hướng hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn Halal của các nước Indonesia, Malaysia với các nước ngoài khu vực, và nỗ lực khắc phục các hạn chế trong quản lý ngành công nghiệp halal của Philippines:

Chú thích ảnh

Indonesia và Iran mở rộng hợp tác về tiêu chuẩn Halal. Tại cuộc họp Đại hội đồng Tiêu chuẩn và Đo lường lần thứ 18 Viện các nước Hồi giáo (SMIIC) tại Ả-rập Xêút, lãnh đạo Viện Tiêu chuẩn và Nghiên cứu Công nghiệp Iran (INSO) và Cơ quan Tiêu chuẩn hóa Quốc gia Indonesia (BSN) đã nhất trí mở rộng hợp tác hợp tác kỹ thuật giữa các lĩnh vực tiêu chuẩn Halal của hai nước.

Người đứng đầu INSO Mehdi Eslam-Panah cho biết Indonesia, quốc gia chiếm tới hơn 12% dân số theo đạo Hồi trên thế giới, có thể cung cấp cho Iran những kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực Halal. Indonesia có 300 triệu dân và là thành viên của ASEAN và có thể là cửa ngõ cho sự hiện diện mạnh mẽ của Iran tại khu vực này. Tại cuộc họp, phía INSO đã đề xuất thành lập một trung tâm thương mại hoặc triển lãm thường trực của Iran tại Jakarta để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa khu vực tư nhân của hai nước.

Malaysia hợp tác với Peru trong chứng nhận sản phẩm Halal. Thủ tướng Malaysia, Datuk Seri Anwar Ibrahim, cho biết Malaysia đã đồng ý sẽ mở văn phòng đại diện tại Peru để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chứng nhận Halal cho các sản phẩm của Peru. Tổng thống Peru cũng mời các doanh nghiệp Malaysia đến thăm và đầu tư vào Peru. Thương mại song phương giữa Malaysia và Peru đạt 168,45 triệu USD (751,77 triệu RM) từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023, tăng 12,8% so với 155,97 triệu USD cùng kỳ năm 2022.

Philippines đứng trước yêu cầu tăng cường quản lý ngành công nghiệp Halal. Ngành công nghiệp Halal tại Philippines đang đứng trước yêu cầu tái thiết do hiện không có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm cụ thể về ngành Halal, cũng như không có quy định, tiêu chuẩn thống nhất hoặc chế tài trong việc xin, cấp chứng nhận Halal, đồng thời quá trình kiểm tra hoạt động của nhà chế biến/nhà sản xuất cũng không thống nhất. Philippines cũng đang thiếu cơ sở hạ tầng dành riêng cho việc lưu trữ, giết mổ và vận chuyển khiến các sản phẩm Halal dễ bị ô nhiễm

Chính phủ Philippines đang nghiên cứu ban hành luật và thành lập cơ quan đầu mối quản lý ngành công nghiệp Halal nhằm thực hiện các chức năng về công nhận Halal, nghiên cứu, giáo dục và nhận thức về Halal, đào tạo cán bộ thúc đẩy và phát triển, hài hòa hóa các tiêu chuẩn và quy trình, nguyên liệu thô và thành phần, cũng như thu hút đầu tư vào ngành Halal, cùng nhiều hoạt động khác. Việc giải quyết những lỗ hổng trong ngành thực phẩm Halal sẽ giúp Philippines tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường Halal toàn cầu; thu hút khách du lịch, đầu tư và việc làm trong ngành công nghiệp Halal; nâng cao chất lượng thực phẩm và sức khoẻ của người dân.

Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei

Nội dung liên quan