Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nigeria đạt 125,36 triệu USD, tăng 0,11% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong kỳ, các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao gồm phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 995,6%, đạt 16,59 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 243,6%, đạt 3,16 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 210,7%, đạt giá trị 15,7 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch sụt giảm gồm túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; hàng dệt may; …
Những thách thức tiềm tàng khi kinh doanh ở Nigeria bao gồm tham nhũng, đe dọa mạng và rủi ro chính trị với bạo lực, khủng bố và bắt cóc đòi tiền chuộc vẫn còn hiện diện. Hơn nữa, những điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn và sự biến động của thị trường liên quan đến tỷ giá, sự khan hiếm ngoại tệ, sự mất niềm tin cao độ của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như sự chảy máu chất xám, nguồn nhân lực cao của Nigeria sang các nước phát triển … là những trở ngại khác cần được quan tâm và theo dõi khi doanh nghiệp Việt Nam đang cân nhắc việc đầu tư, kinh doanh tại Nigeria.
Một số gợi ý cho doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại các nước châu Phi nói chung, và tại Nigeria nói riêng:
- Các doanh nghiệp khi giao dịch tại khu vực châu Phi cần thẩm tra, xác minh doanh nghiệp kỹ trước khi thực hiện hợp tác và ký kết hợp đồng. Để tránh bị rủi ro, khi ký hợp đồng xuất khẩu-nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước nên áp dụng hình thức thanh toán “Thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay (Irrevocable L/C, At sight).
- Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nếu thanh toán theo hình thức đặt cọc thì nên yêu cầu đối tác đặt cọc ở mức cao, khoảng từ 30%-50% giá trị đơn hàng, nhất là đối với các đơn hàng mới và lần đầu.
- Không nên chuyển tiền với bất cứ hình thức nào khi đối tác đề nghị, ví dụ: phí môi giới, phí luật sư v.v...
- Để tìm kiếm khách hàng tại châu Phi, doanh nghiệp nên liên hệ với các Thương vụ- Đại sứ quán Việt Nam tại các nước châu Phi và các Đại sứ quán châu Phi tại Hà Nội.