Ngày 6/8, Thứ trưởng Bộ Mía đường Cuba, Juan Godefoy, cho biết sau 6 năm cơ cấu lại hoạt động của ngành công nghiệp mía đường, hiện Cuba chỉ có 61 trong tổng số 156 cơ sở sản xuất đường còn hoạt động.
Theo thống kê chính thức, sản lượng đường của Cuba niên vụ 2007/08 đạt 1,5 triệu tấn, tăng 28,8% so với 1,2 triệu tấn của niên vụ trước, đa phần để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm mía đường, Cuba hiện đang tập trung sản xuất thức ăn gia súc từ mật mía, cồn, rượu ruhm, nước ngọt, nhiên liệu sinh học, thuốc chữa bệnh, giấy..., trong đó phấn đấu tăng gấp đôi sản lượng cồn từ 100 triệu lít hiện nay lên 200 triệu lít trong tương lai. Ông Godefoy nhấn mạnh, Cuba sẽ đảm bảo đủ đường cho tiêu thụ trong nước năm 2009 (khoảng 700.000 tấn/năm) và thực hiện các hợp đồng với các đối tác nước ngoài.
Trong những năm 1980, Cuba sản xuất tới 8 triệu tấn đường/năm. Tuy nhiên, do giá đường trên thế giới giảm mạnh nên vào năm 2002, Cuba phải tiến hành một cuộc cách mạng trong ngành công-nông nghiệp truyền thống đã gắn bó với người dân Cuba từ hơn 300 năm nay, theo đó đóng cửa một loạt các nhà máy và giảm 2/3 diện tích trồng mía. Theo ông Luis Galvez, Giám đốc Viện nghiên cứu mía đường Cuba (ICIDCA), trong tổng số 2 triệu ha mía năm 2001, Cuba hiện chỉ trồng 750.000 ha, diện tích còn lại chuyển sang canh tác các loại cây nông nghiệp, trồng rừng và chăn nuôi bò. 400.000 nhân công trong ngành này đã được đào tạo lại và chuyển sang làm các ngành nghề khác.
Ông Galvez cho biết Cuba đang nỗ lực hiện đại hóa công nghệ canh tác mía, sản xuất đường và các sản phẩm từ cây mía, nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Hiện sản lượng mía đã đạt 40 tấn/ha, tăng đáng kể so với 22 tấn/ha trước đây.
Bên cạnh đó, Cuba cũng mở rộng hợp tác với các nước như Vênêxuêla, Italia và Braxin trong sản xuất các sản phẩm từ cây mía. Cuba hiện có 6 liên doanh với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực này. Trong khuôn khổ tổ chức Hiệp ước "Sự lựa chọn Bôliva cho châu Mỹ" (ALBA), Cuba đang hợp tác chặt chẽ với Vênêxuêla để sản xuất thức ăn gia súc và nhiên liệu sinh học ethanol.