Nếu như năm 2011 Phần Lan được coi là điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế châu Âu, thì đến năm 2012 kinh tế Phần Lan đã phải đối mặt với những tác động xấu từ cuộc khủng hoảng này.
Số liệu của cơ quan thống kê Phần Lan đưa ra ngày 05 tháng 12 cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này sụt giảm trong hai quý liên tiếp. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III giảm 0,1% so với quý trước và giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2011. Sản lượng của toàn bộ các ngành công nghiệp giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm 3,3%; trong ngành công nghiệp chế biến khoáng sản, hóa chất,… giảm 0,3%. Các lĩnh vực khác như xây dựng, thương mại, vận tải, giáo dục, y tế đều giảm. Tuy nhiên, hoạt động dịch vụ kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bất động sản và thương mại điện tử tăng tuần tự 0,8%, 1%, 2,1% so với cùng kỳ năm 2011.
Tổng nhu cầu tiêu dùng của Phần Lan trong quý III/2012 giảm 1,7%, kim ngạch xuất khẩu giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lạm phát tháng 10 cao hơn 0,1% so với tỷ lệ lạm phát trong khu vực đồng Euro. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2011.
Có thể nói cuộc khủng hoảng kéo dài trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đã ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Phần Lan ở nhiều khía cạnh. Mặc dù vậy, Phần Lan vẫn là nước có nền tăng trưởng kinh tế mạnh nhất khu vực đồng Euro hiện nay với mức tăng trưởng được dự kiến là 1% năm 2012 và 1% vào năm 2013. Tiêu dùng tư nhân vẫn sẽ là động lực chính trong sự phát triển, xuất khẩu được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ 2,5%. Nhược điểm lớn của kinh tế Phần Lan là nợ của các hộ gia đình đã tăng cao đến mức kỷ lục.
Thị trường lao động trong tình hình kinh tế hiện nay ở Phần Lan vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên mức sản lượng khiêm tốn sẽ không đủ duy trì tăng trưởng việc làm và dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng vào năm 2013 tới mức 8,1%.
Mục tiêu chính sách kinh tế của Chính phủ Phần Lan là tăng cường tiềm năng tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, nâng cao tỷ lệ việc làm, thúc đẩy sức mua của các hộ gia đình và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Tài chính công sẽ được tăng cường bằng các biện pháp điều chỉnh doanh thu và chi phí trong suốt nhiệm kỳ của Quốc hội đương nhiệm. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Phần Lan đã áp dụng một loạt các biện pháp có tác động ngay vào việc giảm chi tiêu và tăng thu nhập. Các biện pháp này sẽ được thực hiện trong nhiều giai đoạn từ nay cho đến năm 2015 và dự trù sẽ mang lại khoảng 5,1 tỷ EUR ròng cho ngân sách chính quyền trung ương từ năm 2016 trở đi. Ngoài ra, Chính phủ đã cam kết áp dụng thêm một số biện pháp điều chỉnh thu hẹp tỷ lệ nợ so với GDP và thâm hụt ngân sách sẽ khoảng 1% GDP.
Với sự điều chỉnh chính sách hợp lý và kịp thời, hi vọng Phần Lan sẽ đứng vững trong cơn bão tài chính đầy khó khăn này và giữ vị trí độc tôn là nước tăng trưởng kinh tế ổn định nhất khu vực đồng Euro.
Việt Hà - Vụ Thi trường châu Âu