Ngày 10⁄3⁄2024, tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, Hiệp hội thương mại tự do châu Âu EFTA (gồm 4 nước thành viên là Iceland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sỹ) và Ấn Độ đã ký kết hiệp định thương mại tự do, có tên gọi đầy đủ là Hiệp định Đối tác Kinh tế và Thương mại TEPA.
Các cuộc đàm phán về hiệp định TEPA giữa khối EFTA và Ấn Độ được bắt đầu từ năm 2008. Đến nay sau 16 năm với 21 vòng đàm phán, hai bên đã ký kết thành công hiệp định này. Hiệp định có 14 chương, liên quan đến thương mại hàng hóa (bao gồm quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi thương mại), phòng vệ thương mại, SPS, TBT, thương mại dịch vụ, xúc tiến và hợp tác đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, cạnh tranh, thương mại và phát triển bền vững, giải quyết tranh chấp, các quy định về thể chế và các quy định khác. Riêng nội dung về xúc tiến đầu tư được coi là điểm mới so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà khối EFTA đã ký trước đây.
Lãnh đạo các nước EFTA và Ấn Độ nhận định việc ký kết hiệp định TEPA đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa các nước EFTA và Ấn Độ. Hiệp định này phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của hai bên nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế sâu sắc và toàn diện hơn, nêu bật tầm quan trọng của đối thoại, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. Đối với Ấn Độ, đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà nước này ký với các nước khu vực châu Âu.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ xin giới thiệu một số nội dung chủ yếu của Hiệp định TEPA và những lợi thế hiệp định này mang lại theo đánh giá của phía Thụy Sỹ:
Thương mại hàng hóa
Khả năng tiếp cận thị trường Ấn Độ được cải thiện thông qua giảm thuế đối với khoảng 95% hàng xuất khẩu của Thụy Sỹ sang Ấn Độ, không tính vàng. Trong đó khoảng 85% sẽ được xóa bỏ thuế quan sau thời gian từ 0 đến 10 năm, tùy thuộc vào từng loại sản phẩm. Khoảng 10% sẽ được giảm thuế một phần (hầu hết sẽ có mức giảm thuế 50% sau thời gian từ 0 đến 10 năm). Theo đánh giá của Thụy Sỹ, sau thời hạn dỡ bỏ thuế quan, mỗi năm các công ty Thụy Sỹ có thể tiết kiệm khoảng 200 triệu USD tiền thuế quan khi xuất khẩu sang Ấn Độ.
Các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Thụy Sỹ như dược phẩm, hóa chất, máy móc thiết bị, dụng cụ quang học, y tế, đồng hồ… đều được hưởng lợi thông qua cắt giảm thuế quan vào thị trường Ấn Độ. Nhiều sản phẩm nông nghiệp quan trọng của Thụy Sỹ cũng được hưởng lợi thông qua cắt giảm thuế quan theo từng giai đoạn. Trong đó có các sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến (bao gồm sôcôla, cà phê và một số thực phẩm), nước tăng lực, các loại trái cây, rau quả, một số sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc thực vật và động vật, rượu vang…
Thụy Sỹ đảm bảo cho Ấn Độ quyền tiếp cận thị trường miễn thuế đối với tất cả các sản phẩm công nghiệp (trên thực tế Thụy Sỹ đã chính thức bãi bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp cho tất cả các nước từ ngày 1/1/2024).
Thụy Sỹ cũng giảm hoặc bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp từ Ấn Độ, nhưng không vượt quá mức cam kết trong các hiệp định khác. Các nhượng bộ này phù hợp với chính sách nông nghiệp của Thụy Sỹ và không gây rủi ro cho các lĩnh vực nhạy cảm của nước này.
Đối với các sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến, Thụy Sỹ dành cho Ấn Độ những ưu đãi tương tự như dành cho các đối tác khác đã có FTA. Đối với các sản phẩm có cơ chế bù giá, các nhượng bộ được đưa ra dưới hình thức giảm thuế suất MFN (tối huệ quốc), như đang áp dụng trong các FTA với Trung Quốc, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, Thụy Sỹ tuy đang loại bỏ yếu tố bảo hộ thuế quan nhưng vẫn có khả năng bù đắp chênh lệch giá sản phẩm tại Thụy Sỹ so với thị trường thế giới thông qua thuế nhập khẩu đối với phần lớn các dòng thuế.
Thụy Sỹ sẽ giảm thuế thêm cho Ấn Độ đối với 35 dòng thuế. Đối với một số ít sản phẩm được lựa chọn mà Thụy Sỹ không còn áp dụng cơ chế bù giá đối với các nước EU, Thụy Sỹ cũng sẽ miễn trừ hoàn toàn thuế quan cho Ấn Độ. Các sản phẩm chế biến không có cơ chế bù giá sẽ được miễn thuế hoàn toàn.
TBT và SPS
Các chương về rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) và các biện pháp vệ sinh kiểm dịch (SPS) được xây dựng dựa trên các quy định trong các hiệp định liên quan của WTO. Trong cả hai lĩnh vực, hai bên đồng ý một điều khoản theo đó hai bên sẽ thương lượng với nhau về bất kỳ lợi ích nào mà hai bên có thể dành cho một bên thứ ba.
Trong lĩnh vực TBT, hiệp định thúc đẩy các bên sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế khi soạn thảo các quy chuẩn kỹ thuật của mình. Mục đích là giảm bớt các rào cản kỹ thuật trong thương mại.
Trong lĩnh vực SPS, các bên sẽ áp dụng các khái niệm về phân vùng, được tạo ra để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát dịch bệnh trong một khu vực nhất định, đồng thời hạn chế sự gián đoạn thương mại giữa các bên.
Dịch vụ
Hiệp định bao gồm các điều khoản vượt ra ngoài Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) và tăng cường sự chắc chắn về mặt pháp lý.
Về tiếp cận thị trường, Ấn Độ dành cho các quốc gia EFTA nhiều ưu đãi hơn đáng kể so với GATS.
Trong lĩnh vực tài chính, lĩnh vực ưu tiên của Thụy Sỹ, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính Thụy Sỹ sẽ được hưởng lợi từ thời hạn xin giấy phép rõ ràng và minh bạch. Hiệp định cũng cải thiện tính minh bạch của các tiêu chí và thủ tục xử lý đơn xin cấp phép. Vốn nước ngoài sẽ được phép tăng lên tới 49% trong lĩnh vực bảo hiểm và tăng từ 51% lên 74% trong lĩnh vực ngân hàng.
Về phân phối, Ấn Độ sẽ cho phép tiếp cận thị trường đối với bán lẻ có thương hiệu riêng, nhượng quyền thương mại và phân phối bán buôn.
Hiệp định cũng tạo ra những cơ hội mới trong các lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp, dịch vụ bán lẻ, nhượng quyền thương mại và du lịch.
Hợp tác và Xúc tiến Đầu tư
Các nước EFTA đồng ý thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến khác nhau để khuyến khích đầu tư của khối EFTA vào Ấn Độ. Hai bên đặt mục tiêu đầu tư từ khối EFTA vào Ấn Độ tăng lên 100 tỷ USD và tạo ra 1 triệu việc làm tại Ấn Độ trong 15 năm tới. Về phần mình, Ấn Độ sẽ nỗ lực tạo dựng và duy trì môi trường đầu tư thuận lợi.
Trong thời gian 15 năm tới, tiến độ đạt được các mục tiêu và biện pháp đề ra sẽ được một tiểu ban đặc biệt đánh giá thường xuyên và điều chỉnh nếu cần.
Sở hữu trí tuệ
Hiệp định có các điều khoản toàn diện cho việc bảo vệ và thực thi tất cả các quyền sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ đảm bảo sự chắc chắn về mặt pháp lý cho ngành xuất khẩu đổi mới sáng tạo của Thụy Sỹ.
Mức độ bảo hộ về cơ bản giống như Hiệp định WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) và cao hơn ở một số lĩnh vực.
Về việc bảo hộ đổi mới sáng tạo, hiệp định đảm bảo rằng các sản phẩm được cấp bằng sáng chế xuất khẩu từ Thụy Sỹ sang Ấn Độ sẽ không bị phân biệt đối xử so với các sản phẩm được sản xuất trong nước. Điều này giúp loại bỏ tình trạng không chắc chắn về mặt pháp lý mà Thụy Sỹ cho rằng đã tồn tại ở Ấn Độ trong nhiều năm qua.
Đối với các chỉ dẫn địa lý, chẳng hạn như pho mát, hiệp định mang lại sự bảo hộ cao hơn khi áp dụng. Điều này cũng áp dụng cho việc chỉ dẫn các sản phẩm phi nông nghiệp, chẳng hạn như đồng hồ.
Hiệp định quy định các biện pháp bảo vệ biên giới đối với hàng xuất nhập khẩu phải được áp dụng cho tất cả các quyền sở hữu trí tuệ, ít nhất là khi một bên có yêu cầu thông qua tòa án.
Mua sắm chính phủ
Chương này thiết lập các đầu mối liên lạc để tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và nâng cao hiểu biết lẫn nhau liên quan đến quy định pháp luật mua sắm công. Các bên đồng ý rằng, ba năm sau khi hiệp định có hiệu lực, sẽ xem xét khả năng tăng cường và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực mua sắm chính phủ.
Thương mại và phát triển bền vững
Hiệp định có một chương toàn diện về thương mại và phát triển bền vững, bao gồm các cam kết và ràng buộc về mặt pháp lý về việc không vi phạm mức độ bảo vệ lao động và môi trường hiện có ở mỗi bên trong khi thúc đẩy thương mại. Các bên cũng cam kết đảm bảo rằng các mức độ bảo vệ này có lợi cho sự phát triển bền vững. Chương này tái khẳng định cam kết của các bên trong việc thực hiện các công ước quốc tế đã được phê chuẩn trong các lĩnh vực lao động, môi trường, biến đổi khí hậu và không phân biệt đối xử. Về tiêu chuẩn lao động, các bên cam kết tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế.
Hiệp định có một điều khoản riêng dành cho chủ đề biến đổi khí hậu, trong đó các bên cam kết cụ thể về việc thực hiện Công ước Khí hậu của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris.
Các bên thành lập một tiểu ban cụ thể về các vấn đề phát triển bền vững để giám sát việc thực hiện các cam kết. Hai bên cũng thiết lập cơ chế tham vấn để giải quyết các bất đồng. Cơ chế này không nằm trong chương giải quyết tranh chấp của hiệp định.
Sau khi ký kết, khối EFTA và Ấn Độ sẽ phải hoàn tất các thủ tục nội bộ để phê chuẩn Hiệp định TEPA. Phía Thụy Sỹ đánh giá Hiệp định này dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ mùa thu năm 2025.