Với sự phục hồi dần của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 8 tháng năm 2024 khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm
Với sự phục hồi dần của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 8 tháng năm 2024 khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD, cụ thể như sau:
30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa cho thấy sự phục hồi mạnh, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2024 sơ bộ đạt 37,59 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 9,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 26,75 tỷ USD, tăng 1,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Tám tăng 14,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 21,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 12%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,88 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 191,21 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,1%.
Trong 8 tháng năm 2024, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%).
Trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 03 nhóm hàng, cụ thể:
Nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sơ bộ đạt 25,19 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Do giá xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: cà phê tăng 36%; gạo tăng 21,7%; chè các loại tăng 33%; rau quả tăng 31%; nhân điều tăng 23%; hạt tiêu tăng 44,9%.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo sơ bộ đạt gần 225 tỷ USD, chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 40,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28%; sản phẩm chất dẻo tăng 31%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 21,8%; sắt thép các loại tăng 11,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 22,5%; hàng dệt và may mặc tăng 7,3%; giầy dép các loại tăng 12,7%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,5%...
8 tháng năm 2024, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản sơ bộ đạt 2,78 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 0,8%).
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa trong 8 tháng năm 2024: Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn của nước ta trong 8 tháng năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch sơ bộ đạt 77,9 tỷ USD, chiếm 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 25,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 19%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 37,86 tỷ USD, tăng 2,8%; thị trường EU đạt 34,4 tỷ USD, tăng 18,5%; Hàn Quốc ước đạt 16,8 tỷ USD, tăng 8,3%; Nhật Bản ước đạt 16,1 tỷ USD, tăng 5,6%.
Nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh
Về nhập khẩu hàng hóa, trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2024 sơ bộ đạt 33,06 tỷ USD, giảm 2,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12 tỷ USD, tăng 1,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,06 tỷ USD, giảm 4,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 tăng 12,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,9%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 89,58 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 156,44 tỷ USD, tăng 16,5%.
Trong 8 tháng năm 2024 có 38 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 40,7%).
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu: Chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 8 tháng năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch sơ bộ đạt 218,9 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh để phục vụ cho các đơn hàng mới được ký kết. Trong đó, riêng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 69,9 tỷ USD, tăng tới 26,9% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 31,2 tỷ USD, tăng 16,7%. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao ở mức hai con số như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 23,7%; thép các loại tăng 21,5%; dây điện và cáp điện tăng 30,7%; chất dẻo nguyên liệu tăng 17%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 16,2%; vải các loại tăng 13%...
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 8 tháng sơ bộ đạt 13,18 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao như: hàng điện gia dụng và linh kiện tăng 19,5%; rau quả tăng 12,2%; Linh kiện phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ tăng 11%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa: Do sự phục hồi mạnh của sản xuất và xuất khẩu kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng cao nên nhập khẩu của nước ta trong 8 tháng năm 2024 từ hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch sơ bộ đạt 99,29 tỷ USD, tăng tới 33,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 37,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; tiếp đến là nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt 36,9 tỷ USD, tăng 10,3%; khu vực thị ASEAN đạt 30,27 tỷ USD, tăng 12,5%; Nhật Bản đạt 14,37 tỷ USD, tăng 3,1%; EU đạt 10,8 tỷ USD, tăng 11,4%; Hoa Kỳ đạt 9,78 tỷ USD, tăng 6,9%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 sơ bộ xuất siêu 4,53 tỷ USD. Tính chung tám tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 19,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,77 tỷ USD.
Tính theo khu vực thị trường, trong 8 tháng năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 68,1 tỷ USD tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 23,6 tỷ USD, tăng 22%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,7 tỷ USD, tăng 30,5%; nhập siêu từ Trung Quốc 54,4 tỷ USD, tăng 69,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 20 tỷ USD, tăng 12,1%; nhập siêu từ ASEAN 5,8 tỷ USD, tăng 14,8%.
Hệ thống Thương vụ thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài
Mặc dù hoạt động xuất khẩu đạt kết quả tích cực nhưng còn phụ thuộc vào một số thị trường chính, chịu tác động mạnh từ bất ổn trong chuỗi cung ứng, hoạt động logistics khu vực và toàn cầu.
Xuất nhập khẩu hàng hóa mặc dù đạt kết quả tăng trưởng cao trong 8 tháng năm 2024 chủ yếu do nền tăng trưởng khá thấp của cùng kỳ năm trước; đồng thời, mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng cùng kỳ các năm khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Giá xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, cà phê… tăng mạnh tuy giúp tăng giá trị xuất khẩu nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung vì tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, nhà cung cấp chưa cao.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho hiệp hội, doanh nghiệp. Trọng tâm là: (1) Tình hình chiến sự Nga - Ucraine; xung đột leo thang tại dải Gaza, Biển Đỏ; (2) Diễn biến xung đột thương mại Trung Quốc - EU; (3) Xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành công nghiệp của EU, các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu;
Tiếp tục chuẩn bị, tổ chức các kỳ họp UBLCP, UBHH, các nhóm công tác và TBHH song phương với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan… nhằm tháo gỡ các khó khăn, rào cản từ đó đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang khu vực; tiếp tục tận dụng, đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên thuộc các cơ chế hợp tác tiểu vùng nhằm tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ từ các đối tác phát triển, mở cửa thị trường mới cho hàng hóa Việt Nam.
Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như CPTPP, EVFTA, RCEP… Đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động XTTM tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập. Duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu;
Chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch; Phối hợp với các cơ quan, địa phương trong nước tăng cường trao đổi với cơ quan, địa phương phía Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc về hạ tầng thương mại biên giới và thúc đẩy xây dựg cơ sở hạ tầng thương mại biên giới tại các địa phương biên giới phía Bắc;
Đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; công tác chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài đã và đang điều tra.