| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Một số nét về quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ukraine giai đoạn 2011 - 2012

Trong giai đoạn 2011 - 2012 quan hệ chính trị - ngoại giao Việt Nam - Ukraine phát triển tốt đẹp. Việt Nam và Ukraine tiếp tục thúc đẩy đối thoại, tiếp xúc chính trị, trao đổi đoàn các cấp nhằm đẩy mạnh hợp tác về mọi mặt.

Từ đầu năm 2011 đến nay quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước được cải thiện đáng kể. Việc trao đổi đoàn các cấp được hai Bên tiến hành thường xuyên, bao gồm: Tổng thống Ukraine sang thăm Việt Nam vào tháng 3/2011; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Ukraine vào tháng 10/2011; Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Ukraine Simonhenko sang thăm Việt Nam vào tháng 10/2011; Đoàn Bộ Tài chính thăm và làm việc tại Ukraine vào tháng 9/2011; Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Grishenko thăm Việt Nam vào tháng 3/2012; Thủ tướng Ukraine Azarov Mykola thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 11/2012; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm Ukraine vào tháng 12/2012.

Trong giai đoạn trước khủng hoảng năm 2009, thương mại song phương giữa hai nước có tốc độ tăng trưởng cao và đạt mức 546 triệu USD vào năm 2008 (tăng 3,6 lần so với năm 2007), sau đó giảm xuống còn 464 triệu USD năm 2009 và 256 triệu USD năm 2010.

Trong thời gian qua, doanh nghiệp hai nước đã chủ động hơn trong công tác quảng bá thị trường, doanh nghiệp, hàng hóa xuất khẩu đến các đối tác. Từ năm 2011 đến nay, phía Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư đối với thị trường Ukraine như: Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ukraine tại Kiev (tháng 10/2011), Hội thảo Đầu tư Việt Nam - Ukraine tại Đà Nẵng (tháng 3/2012), tổ chức cho doanh nghiệp Ukraine tham dự Hội chợ quốc tế thủy sản Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (tháng 6/2012), Hội thảo về cơ hội kinh doanh - đầu tư với thị trường Ukraine tại TP. Hồ Chí Minh (tháng 7/2012), Hội thảo về thị trường Ukraine tại Hà Nội (tháng 9/2012), Cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Ukraine ngày 02/10/2012 trong khuôn khổ Khóa họp UBLCP 13, v.v… Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Ukraine đã tổ chức giới thiệu về thị trường Việt Nam tới các địa phương của Bạn như Chernigov, Kherson, v.v…

Phía Ukraine cũng chủ động giới thiệu với phía Việt Nam các doanh nghiệp Ukraine có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, hoặc hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam.

Nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại song phương,từ cuối năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương cũng đã tiến hành tham vấn với phía Bạn về khả năng đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA). Theo đó, hai Bên thống nhất thành lập Nhóm nghiên cứu chung về triển vọng ký kết FTA Việt Nam - Ukraine, và nhất trí sẽ bắt đầu họp phiên đầu tiên của Nhóm trong quý 1/2013. 

Các biện pháp trên cùng với sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp, từ năm 2011 thương mại song phương Việt Nam - Ukraine đã có xu hướng tăng trở lại. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2011 đạt xấp xỉ 300 triệu USD, tăng 17,1% so với năm 2010. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 194,5 triệu USD, tăng 68%; xuất khẩu của Ukraine đạt 105,1 triệu USD, giảm 25% so với năm 2010.

Trong 11 tháng năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 251,8 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 199,6 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ; xuất khẩu của Ukraine đạt 52,2 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Ukraine các mặt hàng: thủy sản, hàng dệt may, điện thoại di động, giày dép, rau quả, hạt điều, hạt tiêu, gạo, sản phẩm từ chất dẻo, cao su và sắt thép các loại.

Các mặt hàng nhập khẩu từ Ukraine gồm: lúa mỳ, hóa chất, phân bón, sắt thép, sản phẩm từ thép, máy móc - thiết bị - phụ tùng, phương tiện vận tải.

Ukraine được đánh giá là thị trường xuất khẩu tiềm năng của nhiều loại hàng hóa Việt Nam như cao su, giày dép, thuỷ hải sản, dệt may, nông sản,... Nhiều doanh nghiệp đã từng bước xâm nhập thị trường này để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu hàng hóa sang Ukraine còn có nhiều khó khăn như thiếu thông tin về hàng hóa, đối tác, cơ chế, chính sách xuất khẩu của Ukraine. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý của hai nước còn thiếu đồng bộ, quy trình giao dịch, thanh toán tiền hàng phức tạp.

Thị trường Ukraine có nhu cầu khá lớn đối với nhiều loại nông sản từ Việt Nam. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tập trung thu gom khoai mì, gạo, dừa, thuỷ sản,… xuất khẩu sang Ukraine. Tuy nhiên, hầu hết nông sản xuất khẩu sang Ukraine vẫn dưới dạng nguyên liệu thô. Để tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp của nước ta cần hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng xuất khẩu thành phẩm đã qua chế biến../.

Lê Thị Minh Hà - Vụ Thị trường châu Âu 

 

 

Thương vụ Việt Nam tại Ukraine

Nội dung liên quan