Tháng 1⁄2024, Hiệp định RCEP kỷ niệm hai năm có hiệu lực thực thi. RCEP được đánh gia là một thành tựu quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là ví dụ sinh động về việc các nước trong khu vực chia sẻ cơ hội phát triển.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, gồm 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Trong hai năm qua, RCEP tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại khu vực ngày càng sâu sắc, tạo động lực mạnh mẽ cho hội nhập và phát triển kinh tế của khu vực. RCEP bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau của tự do hóa và tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, với trọng tâm chính là cắt giảm và xóa bỏ thuế quan. Hơn 90% hàng hóa được giao dịch trong khu vực sẽ dần được hưởng mức thuế bằng 0.
Theo báo cáo do Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc đưa ra vào tháng 9/2023, RCEP đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại khu vực. Tính đến tháng 6/2023, số lượng cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo khuôn khổ RCEP đăng ký tại Trung Quốc đã tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của thương mại quốc tế trong cùng kỳ.
Báo cáo của Thái Lan cho thấy, khối lượng thương mại giữa Thái Lan và các thành viên RCEP khác đạt 327,28 tỷ USD vào năm 2022, chiếm 55,45% tổng ngoại thương của Thái Lan.
Campuchia cũng đã công bố dữ liệu đáng khích lệ. Từ tháng 1 đến tháng 11/2023, khối lượng thương mại của Campuchia với các thành viên RCEP khác đã vượt quá 26,5 tỷ USD, chiếm 61% tổng thương mại của cả nước. Giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Campuchia sang các thành viên RCEP khác tăng 27,29% so với một năm trước.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet cho rằng, trước những bất ổn trong phát triển toàn cầu, RCEP có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy niềm tin của các nước vào hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đạt được lợi ích chung và kết quả đôi bên cùng có lợi.
Viện Nghiên cứu châu Á tại Học viện Hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc thuộc Bộ Thương mại cho biết, là nền kinh tế lớn nhất trong RCEP, Trung Quốc đã được hưởng lợi từ việc hiệp định này có hiệu lực và cũng là nước đóng góp quan trọng cho hợp tác RCEP. Kể từ khi thực hiện RCEP hai năm trước, thương mại hàng hóa trung gian của Trung Quốc với các nước thành viên RCEP khác vẫn ở mức cao 8 nghìn tỷ NDT (1,12 nghìn tỷ USD).
Theo VOV – Bắc Kinh, ASEAN tiếp tục duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc 4 năm liên tiếp. Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố mới đây, năm 2023, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vẫn là thị trường ASEAN, khi bước sang năm thứ 4 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đạt 6.410 tỷ NDT (910 tỷ USD). Khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng 16,8 lần trong 20 năm, tổng đầu tư hai chiều vượt 380 tỷ USD.
Trong khi đó, theo số liệu của hải quan cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), năm 2023, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này đạt 423,22 tỷ NDT, tăng 111,6% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu của các nước ASEAN sang Trung Quốc đạt 24,12 tỷ NDT, tăng 261,9%.
Bộ Thương mại Indonesia cũng cho rằng, việc Trung Quốc thực hiện RCEP sẽ tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, do Trung Quốc có vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này sẽ góp phần vào sự tiến bộ ổn định của nền kinh tế khu vực. Nhờ RCEP tạo thuận lợi thông quan, trong 11 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc từ các nước thành viên RCEP như Thái Lan và Việt Nam đạt tổng trị giá 46,61 tỷ NDT, gấp 1,7 lần so với cả năm 2021 của Trung Quốc trước khi Hiệp định có hiệu lực. Sự tăng trưởng liên tục trong thương mại nông sản của Trung Quốc với ASEAN phản ánh những tác động tích cực của việc cắt giảm thuế quan và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại trong RCEP.
Có thể nói, trong hai năm qua, các nước thành viên RCEP đã hợp tác với các bên liên quan để triển khai RCEP một cách toàn diện và hiệu quả, thúc đẩy phát triển thương mại hàng hóa, đảm bảo thực hiện hiệu quả các quy tắc xuất xứ ưu đãi, thực hiện thủ tục hải quan và các quy tắc tạo thuận lợi thương mại với tiêu chuẩn cao, và cải thiện mức độ mở cửa trong thương mại dịch vụ. Những nỗ lực này đã giúp thúc đẩy nền kinh tế khu vực vượt qua những cơn gió ngược và mang lại nhiều lợi nhuận hơn từ khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.