Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 6 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 37.435 tấn, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 26,3% thị phần.
Tiếp đó là các thị trường như Đức với 9.526 tấn, tăng 106,7%; UAE đạt 8.388 tấn, tăng 15,2%; Ấn Độ đạt 8.173 tấn, tăng 45,7%, Trung Quốc đạt 7.453 tấn, giảm 85,2% và Hà Lan đạt 6.019 tấn, tăng 52,1%.
Các thị trường xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu: Đức đạt 2.454 tấn, Mỹ đạt 2.044 tấn, Hà Lan đạt 1.779 tấn, Thái Lan đạt 1.732 tấn và Trung Quốc đạt 1.567 tấn…
Cùng với đó, Việt Nam đã nhập khẩu 18.002 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 16.357 tấn, tiêu trắng đạt 1.645 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 69,6 triệu USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba quốc gia cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho Việt Nam bao gồm: Brazil đạt 7.241 tấn, giảm 22,3%; Campuchia đạt 6.212 tấn, tăng 34,5%; Indonesia đạt 2.991 tấn, tăng 67,3%.
Giá tiêu liên tục tăng cao là nguyên nhân khiến mặc dù giá trị xuất khẩu tăng cao nhưng lại giảm về lượng. Hiện, giá xuất khẩu bình quân của hồ tiêu Việt Nam đã tăng 1.000 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, giá tiêu đen đạt hơn 4.300 USD/tấn, tiêu trắng đạt gần 6.000 USD/tấn.
Nguyên nhân chủ yếu khiến giá hồ tiêu tăng mạnh là sản lượng tiêu toàn cầu giảm đáng kể do hiện tượng El Nino và diện tích trồng suy giảm, lượng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang năm nay ở Việt Nam (nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới hiện nay) hầu như không đáng kể trong khi nhu cầu sử dụng tại các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc lại tăng mạnh.
Theo đánh giá của VPSA, sản lượng tiêu của Việt Nam trong năm 2024 ước giảm 10% so với năm 2023, chỉ còn khoảng 170.000 tấn. Đây là mức thấp nhất 5 năm trở lại đây. Về phía các doanh nghiệp trong nước, VPSA khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cẩn trọng trong hoạt động thu mua và xuất khẩu để tránh gặp rủi ro tương tự như giá cà phê, hay lúa thời gian qua.