Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam– Đan Mạch (25/11/1971-25/11/2021), Ngài Kim Højlund Christensen – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đã có buổi phỏng vấn với báo điện tử Thế giới & Việt Nam. Trong buổi phỏng vấn, Ngài Đại sứ đã chia sẻ về những thành tựu chung trong 50 năm đầu tiên từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, và hướng đến những tiềm năng trong 50 năm tới của mối quan hệ hợp tác thành công!
Đại sứ có thể chia sẻ những nét nổi bật trong quan hệ hai nước trong 5 thập kỷ qua? Triển vọng phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới là gì?
Đan Mạch và Việt Nam có bề dày quan hệ hữu nghị và hợp tác chặt chẽ. Đan Mạch là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Việc thiết lập quan hệ này diễn ra từ rất sớm, cách đây đã 50 năm – năm 1971.
Ngay sau đó, Đan Mạch bắt đầu cung cấp hỗ trợ nhân đạo và các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam để hỗ trợ tái thiết sau chiến tranh. Viện trợ phát triển của Đan Mạch dành cho Việt Nam đặc biệt tăng nhanh từ năm 1993, khi Việt Nam được chọn là quốc gia ưu tiên trong chương trình hợp tác phát triển của Đan Mạch.
Đến năm 2015, Đan Mạch đã giải ngân khoản Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) khoảng 1,3 tỷ USD, trở thành một trong những nhà tài trợ song phương lớn nhất tại Việt Nam.
Những người Đan Mạch chúng tôi rất vui mừng và vinh dự đã đóng góp vào những thành tựu đáng kể mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình chuyển đổi từ một quốc gia có thu nhập thấp, với 58% người dân sống trong cảnh đói nghèo vào năm 1993, thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp và đang trên đà phát triển.
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã có tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế - và tại Việt Nam cũng vậy, tôi tin tưởng rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng mà Việt Nam đã đạt được trước đại dịch sẽ quay trở lại trong một tương lai không xa.
Năm 2013, Đan Mạch là nước Bắc Âu duy nhất ký Hiệp định Đối tác Toàn diện với Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng vì nó đã nâng tầm quan hệ song phương của chúng ta từ hợp tác phát triển theo kiểu truyền thống lên mối quan hệ đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm đối thoại chính trị, thương mại và đầu tư, tăng trưởng xanh, năng lượng, an toàn thực phẩm, giáo dục và y tế.
(Ngài Kim Højlund Christensen – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam)
Thoả thuận đó cũng tạo cơ sở vững chắc cho hai nước tiếp tục hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Đan Mạch là một trong những đối tác phát triển đầu tiên hỗ trợ Việt Nam thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và như Đại sứ từng nói, Đan Mạch sẽ tiếp tục quan tâm đặc biệt đến “chương trình nghị sự xanh” trong hợp tác với Việt Nam trong những năm tới. Ông có thể chia sẻ thêm về lĩnh vực hợp tác này?
Nhìn lại 50 năm quan hệ ngoại giao và hợp tác, chúng ta đã cùng nhau đạt được nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển xanh và bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiềm năng to lớn để mở rộng và tăng cường nhiều hơn nữa mối quan hệ đối tác và cộng tác của chúng ta trong tương lai, cũng trong lĩnh vực xanh. Thực tế là Đan Mạch trong nhiều năm qua đã phải quyết một số thách thức mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt. Trong số này có, thể kể đến nạn ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu.
Các công ty Đan Mạch sở hữu chuyên môn hàng đầu thế giới về năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, xử lý nước và chất thải, sản xuất thực phẩm, y tế và giáo dục, tất cả đều là những lĩnh vực quan trọng cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Do đó, Đan Mạch có thể đề xuất các giải pháp hiện đại nhất để giúp Việt Nam phát triển xanh và bền vững hơn.
Tại COP26 vừa qua ở Glasgow (Anh), việc cả Đan Mạch và Việt Nam đều khẳng định cam kết của mình trong lĩnh vực biến đổi khí hậu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực quan trọng này.
Hợp tác song phương của chúng ta đã tập trung vào chương trình nghị sự xanh. Và tôi tin tưởng rằng sự hợp tác hai bên có thể và sẽ được tăng cường hơn nữa.
Đã có gần 3 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, ông có nhận xét gì về những nỗ lực của chính phủ và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19?
Covid-19 là một đại dịch toàn cầu – và đã ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong giai đoạn đầu của đại dịch với thời gian khá dài, Việt Nam đã cố gắng giữ được số ca lây nhiễm ở mức tối thiểu tuyệt đối.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta đã thách thức cách tiếp cận này, thực tế cũng như chúng ta đã chứng kiến ở các nước khác trên thế giới.
Và cũng như ở các quốc gia khác – trong đó có cả Đan Mạch – Việt Nam hiện đang học cách sống chung với Covid-19 và nhận ra rằng những biện pháp thắt chặt cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội.
Đối với cả Đan Mạch và Việt Nam – cũng như các quốc gia khác – điều quan trọng là phải liên tục thích ứng, điều chỉnh và kiểm soát đại dịch khi nó tiến triển – ít nhất là cho đến khi phần lớn dân số của chúng ta đã được tiêm phòng.
Tôi tự hào rằng Đan Mạch đã hỗ trợ Việt Nam vaccine thông qua cơ chế COVAX vào lúc đất nước các bạn cần vaccine nhất.
Đan Mạch có những định hướng gì trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh hậu Covid-19? Theo Đại sứ, hai nước nên làm gì để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư?
Điều rất tích cực mà chúng tôi nhận thấy là ngày càng nhiều công ty Đan Mạch chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất. Ngoài đầu tư vốn, chuyên môn, công nghệ và tạo công ăn việc làm, các công ty này đã mang lại cách thức kinh doanh hiệu quả của Đan Mạch.
Với sự tham gia ngày càng nhiều của các công ty Đan Mạch và thông qua sự hợp tác thường xuyên giữa các cơ quan hữu quan của Đan Mạch và Việt Nam về năng lượng, an toàn thực phẩm, y tế và giáo dục, giờ đây chúng tôi có thể tập trung nhiều hơn vào việc kết hợp công nghệ hiện đại và bí quyết của Đan Mạch với mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao hơn của Việt Nam vào năm 2035, qua đó tiếp tục đóng góp vào con đường phát triển lâu dài của Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng và mong muốn hai nước chúng ta có thể coi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập quan hệ ngoại giao trong năm nay như một dịp để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác về tăng trưởng xanh.
Đan Mạch và Việt Nam có mối quan hệ mạnh mẽ được xây dựng trên cơ sở hữu nghị lâu đời và bền chặt. Hai bên rất hài lòng về tất cả những kết quả đã đạt được trong 50 năm đầu tiên từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, và đang vững tin hướng tới 50 năm tiếp theo của mối quan hệ hợp tác thành công!
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.
Đọc thêm bài tiếng Anh tại đây: https://bit.ly/3DUr0J4