| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Giới thiệu tình hình kinh tế CH Tô-gô

Từ đầu những năm 90, Tô-gô đã trải qua cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội dẫn đến việc nền kinh tế bị suy thoái và có nhiều rối loạn về thể chế, làm nản lòng các nhà đầu tư tiềm năng. Trong những điều kiện đó, tỷ lệ tăng trưởng GDP không giúp bù đắp được tỷ lệ tăng trưởng dân số. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người trong vòng 25 năm qua của Tô-gô ở mức -1%. Còn về kinh tế, sức mua của các hộ gia đình đã sụt giảm một nửa giai đoạn từ 1983 đến 2006.

 

 

Tình hình kinh tế - xã hội của Tô-gô chịu cảnh thiếu vắng những nhà cho vay vốn lớn. Việc ngừng viện trợ gần như liên tục của Liên minh châu Âu từ năm 1993 và tình trạng hỗn loạn sau cái chết của Tổng thống Eyadéma vào tháng 2/2005 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước. Kinh tế Tô-gô vẫn chủ yếu dựa vào lĩnh vực nông nghiệp (nhất là bông, cà phê, cacao và cây lương thực) chiếm 41% GDP và sử dụng trên 75% dân lao động. Tuy nhiên, lĩnh vực bông hiện đang bị khủng hoảng do chưa thanh toán được các khoản nợ cho người sản xuất trong các vụ thu hoạch gần đây và do tình hình tài chính khó khăn của Công ty bông Tô-gô (SOTOGO).

 

Tô-gô cũng là một trong những trung tâm quá cảnh và dịch vụ của khu vực (lĩnh vực dịch vụ chiếm 35% GDP). Cảng tự quản Lomé, điểm vào của hàng hoá đi những nước thuộc khu vực Xahara đã được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng tại Côte d’Ivoire trong những năm gần đây. Cuối cùng, trong lĩnh vực công nghiệp (24% GDP), nếu như xi măng, ngành công nghiệp khai thác hàng đầu của đất nước và cung cấp mặt hàng xuất khẩu chính hiện đang có sự năng động tích cực (mặc dù có sự giảm sút sản lượng vào năm 2006 do các địa điểm khai thác bị ngập lụt) thì sản xuất phốt phát do thiếu đầu tư, đã không ngừng suy thoái những năm qua trong khi năm 2000, đây còn là sản phẩm xuất khẩu chính của Tô-gô. Việc phục hồi lĩnh vực này đòi hỏi phải giải quyết các tranh chấp pháp lý hiện tại và có sự tham gia của một nhà đầu tư chiến lược lâu dài.

 

GDP năm 2006 của Tô-gô là 2,089 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng là 2%. GDP bình quân đầu người là 362 USD. Nếu tính theo ngang giá sức mua, GDP bình quân đầu người là 1400 USD và Tô-gô nằm trong số những nước đang phát triển.

 

Về mặt cải cách cơ cấu, Tô-gô đã có những tiến bộ trong việc tự do hoá nền kinh tế, cụ thể là lĩnh vực thương mại và hoạt động cảng. Tuy nhiên, chương trình tư nhân hoá các lĩnh vực bông, viễn thông và nước dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Về cải cách chính trị, Tô-gô đã bắt đầu đối thoại với EU về việc bảo đảm các quyền tự do cơ bản, lập lại Nhà nước pháp quyền và mở rộng quyền lực chính trị sao cho dân chủ hơn. Trong khuôn khổ đó, một giải pháp thuận lợi có thể giúp Tô-gô thực hiện những cam kết về tài chính của mình. Nước này hiện nay đang trong tình trạng nợ nhiều do không có sự trợ giúp tài chính từ bên ngoài trong khi Tô-gô có khả năng nằm trong nhóm các nước được hưởng sự giúp đỡ theo Sáng kiến Các nước nghèo nợ nhiều.

 

Những chỉ số kinh tế chính năm 2006

 

Năm 2006, phần lớn những lĩnh vực của nền kinh tế Tô-gô không đạt kết quả khả quan do bối cảnh chính trị - xã hội không thuận lợi và bộ máy sản xuất tiếp tục suy thoái vì thiếu vắng những khoản đầu tư nhất là từ bên ngoài.

 

Tỷ lệ tăng trưởng

Với đồ thị tiến triển hình răng cưa, GDP sau khi giảm ở mức 2,1% vào năm 2003 đã phục hồi vào năm 2004 đạt mức tăng 3% trước khi sụt giảm xuống còn +0,8% vào năm 2005.

Năm 2006, tỷ lệ tăng trưởng GDP ước đạt từ 1,5% (theo Ngân hàng Trung ương các Quốc gia Tây Phi) đến 2,0% (theo IMF).

 

Theo IMF, giá trị GDP năm 2006 đạt 1 159 tỷ FCFA (2,2 tỷ USD). Do tăng trưởng dân số được giữ vững, GDP tính theo đầu người đã tiếp tục giảm, từ 187 724 FCFA (359 USD) năm 2005 xuống còn 186 141 FCFA (361 USD) năm 2006 (- 0,8%).

 

Lạm phát

Trước đây, tỷ lệ lạm phát tại Tô-gô là khá thấp. Đến năm 2005, tỷ lệ này đã tăng nhanh (+6,8%) do những rối loạn chính trị - xã hội và do tăng giá các sản phẩm dầu lửa trong khi năm 2003 lạm phát là - 0,9% và năm 2004 là 0,4%.

 

Năm 2006, tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống còn 2,23% đáp ứng được tiêu chí thống nhất của các nước thành viên Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) : lạm phát dưới 3%.

 

Tài chính công

Tình hình tài chính công đã được cải thiện trong năm 2006 do tác động kép từ việc giảm các khoản chi bất thường và tăng thu của các công ty quản lý tài chính sau khi tiến hành các cuộc cải cách trong năm.

 

Tổng các khoản thu của các công ty quản lý tài chính đã tăng 10,8% năm 2006 so với năm 2005 đạt mức 189,9 tỷ FCFA (363 triệu USD). Theo IMF, các khoản thu chiếm 16,9% GDP năm 2006 (+1,2% so với năm 2005) và các khoản chi thông thường chiếm 18,0% (+1,8%) giảm nhẹ số dư ban đầu.

 

Nợ

Tính đến cuối năm 2005, nợ nước ngoài lên tới 782,2 tỷ FCFA (1,5 tỷ USD), tức là 70% GDP. Việc phân chia nợ giữa các nhà cho vay vốn vẫn không thay đổi: Ngân hàng thế giới đứng đầu các tổ chức đa phương (45%) và Thuỵ Sỹ, nhà tài trợ song phương lớn nhất với 9%. Pháp là nhà cho vay vốn song phương lớn thứ hai với 6,7%, tương đương 53 tỷ FCFA. Dịch vụ nợ lên tới 293 tỷ FCFA (25% GDP). Chính sách của chính quyền Tô-gô đối với vấn đề nợ vẫn là hoàn trả các khoản tài trợ của những nhà cho vay đã không cắt đứt hợp tác với Tô-gô (Ngân hàng Phát triển Tây Phi, Ngân hàng A rập về phát triển kinh tế tại châu Phi, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, Ngân hàng Trung ương các Quốc gia Tây Phi) và chờ đợi việc thực hiện Sáng kiến Những nước nghèo nợ nhiều để được giảm nợ từ các nhà cho vay khác, đặc biệt là Ngân hàng thế giới và các thành viên của Câu lạc bộ Paris. Sau khi Mạng lưới cung cấp các dịch vụ kiểm toán (KPMG) tiến hành kiểm toán, nợ trong nước ước tính đến tháng 12/2006 vào khoảng 200 tỷ FCFA trong đó 80 tỷ là nợ Quỹ Bảo hiểm xã hội quốc gia (CNSS).

 

 

 

Thương Vụ Việt Nam tại Maroc

Nội dung liên quan