Ngày 4 tháng 5, Chính phủ Ấn Độ thông báo dỡ bỏ các lệnh hạn chế đối với việc xuất khẩu hành tây.
Chính phủ Ấn Độ, ngày 4/5, thông báo dỡ bỏ các lệnh hạn chế đối với việc xuất khẩu hành tây. Thông báo được đưa ra một ngày sau khi các nhà chức trách nước này cho biết sẽ nâng thuế xuất khẩu lên 40%.
Cùng với việc dỡ bỏ lệnh cấm, Chính phủ Ấn Độ cũng công bố giá xuất khẩu tối thiểu đối với hành tây là 550 USD/tấn.
Trước đó vào tháng 12/2023, Chính phủ Ấn Độ lần đầu tiên ban hành lệnh cấm xuất khẩu hành tây và đã gia hạn lệnh cấm này vào tháng 3/2024.
Một quan chức chính phủ nước này cho biết: "Động thái chính sách mới được đưa ra sau khi tính đến sản lượng vụ Xuân ước tính vào năm 2024 và triển vọng vụ Hè tốt do lượng mưa cao hơn mức bình thường".
Ngoài ra, sản lượng hành tây của Ấn Độ trong vụ Xuân năm 2024 ước tính là 19,1 triệu tấn. Đây là mức sản lượng cao cho phép các thương gia ngoài phục vụ thị trường trong nước có thể bán ra nước ngoài, do mức tiêu thụ hàng tháng trong nước là khoảng 1,7 triệu tấn.
Việc thay đổi chính sách của các nhà quản lý tại quốc gia xuất khẩu rau củ lớn nhất thế giới diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử quốc gia, khi Thủ tướng Narendra Modi đang nỗ lực đạt được một nhiệm kỳ thứ ba hiếm hoi nữa.
Hành tây, thành phần chính trong các loại thực phẩm chủ yếu của Ấn Độ là mặt hàng nông sản nhạy cảm về chính trị. Tại quốc gia Nam Á này, hành tây thường được trồng ba lần một năm - vào mùa mưa, mùa Đông và mùa Hè.
Các thương nhân ước tính rằng Ấn Độ, quốc gia có thời gian vận chuyển ngắn hơn các nước khác Trung Quốc hay Ai Cập ở nhiều thị trường, chiếm hơn một nửa tổng lượng hành tây nhập khẩu của các nước châu Á.
Trong 12 tháng, tính đến 31/3/2023, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 2,5 triệu tấn hành tây.