| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo sang thị trường Bắc Âu cần lưu ý gì?

Xu hướng nổi bật đối với sản phẩm chế biến chế tạo của thị trường Bắc Âu là tính bền vững, thân thiện với môi trường công nghệ tiên tiến, sản phẩm thông minh.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu, trong 5 tháng đầu năm 2024, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy đạt 1,08 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 650,36 triệu USD, tăng 3,76% và nhập khẩu đạt 430,91 triệu USD, tăng 8,37% so với cùng kỳ năm 2023. Về đầu tư, các nước Bắc Âu hiện có 337 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 2,91 tỷ USD.

Trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu sang thị trường EU, các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, đồ gỗ… chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng cơ cấu xuất nhập khẩu nói chung sang các thị trường này. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xuất khẩu sang khu vực thị trường Bắc Âu luôn phải nắm rõ các quy định của thị trường nhằm giữ vững thị phần tại đây.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết, khu vực Bắc Âu là một trong những khu vực tiên tiến nhất thế giới trong việc áp dụng các công nghệ hiện đại và phát triển bền vững. Những xu hướng chủ đạo trong ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tại đây đang định hình tương lai của ngành sản xuất toàn cầu. Có hai xu hướng nổi bật là Tính bền vững và thân thiện với môi trường và Công nghệ tiên tiến và sản phẩm thông minh. Đây là điều các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải lưu ý nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Theo đó, đối với nhóm mặt hàng dệt may, da giày, và nội thất, trong những năm gần đây, các nước Bắc Âu đã nổi lên như những người đi đầu trong việc sử dụng màu sắc trong trang trí nhà cửa và dệt may, da giày. Tính thẩm mỹ tối giản kết hợp với các nguyên tắc thiết kế đi kèm chức năng đã khiến xu hướng Bắc Âu có sức ảnh hưởng lớn. Xu hướng thiết kế được định hình bởi các yếu tố xã hội, kinh tế, chính trị và môi trường. Trong bối cảnh Bắc Âu, một số ảnh hưởng chính đã thúc đẩy xu hướng màu sắc gần đây:

Cụ thể, về sức khỏe và thiên nhiên, người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng quan tâm đến sức khỏe, thể hiện qua việc chọn các màu sắc tự nhiên, không có hóa chất. Màu sắc phản ánh ý thức về môi trường nên xu hướng màu từ thiên nhiên ngày càng được ưa chuộng.

Đối với tính liên tục và bền vững, ngày càng có nhiều nhận thức về sự cần thiết phải làm chậm lại các chu kỳ thay đổi màu sắc. Xu hướng về chu kỳ màu sắc lâu dài hơn cũng phù hợp với mục tiêu bền vững. Các sản phẩm có vòng đời kéo dài giúp giảm chất thải và nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên, điều này ngày càng quan trọng trong thị trường có ý thức về môi trường như các nước Bắc Âu.

"Bằng cách hiểu và tích hợp xu hướng Bắc Âu, các công ty Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm gây thu hút người tiêu dùng, những người coi trọng tính bền vững, sự tối giản và tính thẩm mỹ tự nhiên. Việc áp dụng các chiến lược này không chỉ phù hợp với xu hướng toàn cầu mà còn giúp định vị sản phẩm Việt Nam là những lựa chọn hợp thời trang, chất lượng cao và thân thiện với môi trường trên thị trường toàn cầu" - bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý chỉ rõ.

Đối với sản phẩm cơ khí, điện tử và công nghiệp hỗ trợ, trong bối cảnh hiện đại, các nước Bắc Âu đang dẫn đầu trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến và thiết kế bền vững vào ngành cơ khí, điện tử và công nghiệp hỗ trợ. Những sản phẩm từ khu vực này nổi bật nhờ vào sự kết hợp giữa tính thẩm mỹ, độ bền cao và khả năng bảo vệ môi trường.

Theo đó, những yếu tố thúc đẩy xu hướng này là công nghệ xanh và bền vững. Cụ thể, người tiêu dùng và các doanh nghiệp tại Bắc Âu ngày càng chú trọng đến việc sử dụng công nghệ xanh trong sản xuất. Họ ưu tiên những thiết bị cơ khí có hiệu suất năng lượng cao và ít phát thải khí carbon. Điều này thúc đẩy xu hướng phát triển các sản phẩm cơ khí từ vật liệu tái chế và dễ phân hủy, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Bên cạnh đó, xu hướng thiết kế tối giản nhưng hiệu quả cao đang trở nên phổ biến trong ngành cơ khí. Các sản phẩm được thiết kế với sự chú trọng đến chức năng và tính ứng dụng, tạo ra những giải pháp thông minh cho cả công nghiệp lẫn tiêu dùng cá nhân.

Việc tích hợp công nghệ số vào các sản phẩm cơ khí, chẳng hạn như IoT và AI, giúp tăng cường khả năng kết nối và quản lý thông minh. Các hệ thống máy móc có thể tự động giám sát, bảo trì và tối ưu hóa hoạt động, mang lại hiệu quả cao hơn cho người sử dụng.

Ngoài ra, các sản phẩm cơ khí từ Bắc Âu thường được thiết kế với vòng đời sản phẩm dài, nhằm giảm thiểu lãng phí và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm bền vững và đáng tin cậy.

Bằng cách nắm bắt và áp dụng những xu hướng này, các công ty Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, điện tử và công nghiệp hỗ trợ có thể phát triển những sản phẩm thu hút người tiêu dùng Bắc Âu. Các doanh nghiệp có thể hướng đến việc phát triển những giải pháp kỹ thuật cao, vừa thân thiện với môi trường, vừa mang lại giá trị sử dụng lâu dài cho khách hàng.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển

Nội dung liên quan