| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày chuyển đổi xanh trong EVFTA

Xuất khẩu sang thị trường EU có nhiều lợi thế từ việc tận dụng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA). Tuy nhiên, EU là thị trường khó tính trong việc áp dụng quy định về hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là tiêu chuẩn kỹ thuật và phát triển bền vững, vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ các quy định để đáp ứng tiêu chí xuất khẩu sang thị trường EU.

Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày chuyển đổi xanh trong EVFTA

Phát biểu khai mạc Tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày chuyển đổi xanh trong EVFTA diễn ra ngày 19/12, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, từ khi Việt Nam thực thi Hiệp định thương mại tự do EVFTA, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp luôn được quan tâm và đánh giá cao. Thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương triển khai một số nhiệm vụ FTA, Cục Xuất nhập khẩu đẩy mạnh trao đổi thông tin, nâng cao nhận thức, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận và thích ứng với xu hướng chuyển đổi xanh của EU.

Đối với ngành dệt may, da giày, việc EU tăng cường chuẩn hóa, luật hóa các quy định, tiêu chuẩn, chú trọng phát triển kinh tế tuần hoàn một mặt sẽ thúc đẩy việc hiện thực hóa các mục tiêu của thỏa thuận xanh, thiết lập quy chuẩn thương mại xanh mới, lan tỏa trách nhiệm chung chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, góp phần chuyển đổi chuỗi cung ứng xanh, bền vững, không chỉ tại EU mà trên toàn cầu. Mặt khác, các quy định này cũng sẽ tạo ra hàng rào kỹ thuật cao hơn đối với việc tiếp cận thị trường, đồng thời tạo thêm gánh nặng về hành chính và chi phí, cũng như nghĩa vụ giải trình phức tạp đối với nhà sản xuất và hệ thống cung ứng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, EU là thị trường xuất khẩu dệt may chủ lực của Việt Nam. Việc EU ngày càng mở rộng thêm các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn đối với ngành dệt may sẽ tạo ra các thách thức cho doanh nghiệp về sản xuất bền vững, giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn, trách nhiệm xã hội, môi trường... Trong khi đó, năng lực doanh nghiệp, điều kiện sản xuất của Việt Nam còn hạn chế, việc chuyển đổi mô hình sản xuất rất cần công nghệ và nguồn vốn lớn.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền cũng mong muốn, thông qua toạ đàm là cơ hội để các bên lắng nghe thông tin thực tế từ các hiệp hội. Điểm nhấn của chương trình tọa đàm hôm nay là phần chia sẻ của đại diện Vitas, Lefaso và thảo luận bàn tròn với CIIS và bộ phận trực tiếp cấp C/O cho hàng hóa đi EU.

Đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, tại Toạ đàm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đã nêu những khó khăn, lo lắng của các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam trước những quy định về rào cản vào thị trường EU.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu những thách khi xuất khẩu vào thị trường EU, đồng thời nêu giải pháp cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Theo Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để ngành dệt may phát triển bền vững, cần tập trung vào 5 giải pháp chính, bao gồm: Nguồn nhân lực; thị trường và vốn; phương thức sản xuất, chủ động NPL; công nghệ và chuyển đổi số; thực hành bền vững ESG.

Cũng tại Toạ đàm, các doanh nghiệp đã có ý kiến trao đổi thẳng thắn, nêu những khó khăn, thách thức và nêu những mối quan tâm trong việc tiếp cận và thích ứng với xu hướng chuyển đổi xanh. Những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và Hiệp hội đã được Đại diện Cục Xuất nhập khẩu giải đáp và tiếp nhận, đồng thời hỗ trợ cung cấp các thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận và thích ứng với xu hướng chuyển đổi xanh của EU.

Vietnamexport tổng hợp

Nội dung liên quan