| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Mời tham gia đoàn xúc tiến thươg mại tại CÔ-OÉT và Ô-MAN

Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia năm 2016 đã được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ tổ chức đoàn gồm 16 doanh nghiệp đi giao thương, tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, gặp gỡ doanh nghiệp tại 02 thành phố là thành phố Cô-oét (Cô-oét) và thành phố Muscat (Ô-man). Thời gian của chuyến công tác dự kiến từ 6-14 tháng 5 năm 2016 (gồm cả thời gian đi và về).

Mục đích chuyến công tác nhằm nghiên cứu, khảo sát thị trường, tiến hành các hoạt động giao thương, gặp gỡ đối tác bạn hàng, quảng bá hình ảnh sản phẩm, kết hợp làm việc với các doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Cô-oét và Ô-man. Các doanh nghiệp tham gia đoàn sẽ tập trung vào các ngành hàng như thủy sản, nông sản (rau quả, chè, gạo, hạt tiêu, điều, quế), thực phẩm, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm sắt thép, vải, dệt may, giày dép, điện thoại di động và linh kiện, điện, dây cáp điện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cơm dừa…

Các doanh nghiệp sau khi được lựa chọn tham gia chương trình theo quy định sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền vé máy bay khứ hồi Việt Nam sang Cô-oét và Ô-man (01 vé/doanh nghiệp), và chi phí tổ chức các Diễn đàn doanh nghiệp. Các chi phí khác bao gồm: lệ phí visa, tiền khách sạn, ăn uống, ô tô đi lại, lệ phí tham quan các sự kiện thương mại, các chi phí phát sinh khác theo yêu cầu của doanh nghiệp... trong thời gian làm việc tại Cô-oét và Ô-man do doanh nghiệp tự chi trả.

Nhà nước Cô-oét là quốc gia nằm ở khu vực Trung Đông, với dân số 2,8 triệu người cùng diện tích 17.818 km2. Năm 2015, GDP đạt 123,2 tỷ USD, tăng trưởng đạt 2,3%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 44.000 USD/người.

Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Cô-oét phát triển tốt đẹp. Kim ngạch buôn bán hai chiều tăng mạnh kể từ năm 2010, chủ yếu do Việt Nam nhập khẩu dầu Diezen từ Cô-oét. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Cô-oét đạt 88,2 triệu USD, trong khi đó, nhập khẩu đạt 130,8 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu sang Cô-oét khá đa dạng và phong phú, bao gồm: thủy sản, nông sản (rau quả, chè, gạo, hạt tiêu, hạt điều, quế, hoa hồi), thực phẩm (bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, cơm dừa sấy khô, tinh bột sắn), gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm gốm sứ, sản phẩm mây tre cói thảm, sản phẩm sắt thép, vải, dệt may…

Việt Nam chủ yếu nhập siêu từ Cô-oét do ta nhập khẩu dầu Diezen, hoá chất, phân bón và hiện nay nhập khẩu khí tự nhiên, lưu huỳnh, chất dẻo nguyên liệu với khối lượng lớn.

 Vương quốc Ô-man cũng là quốc gia thuộc khu vực Trung Đông có diện tích gần 310.000 km2 và dân số khoảng 3,3 triệu người. Trong năm 2015, GDP của quốc gia này đạt 60,18 tỷ USD, tăng khoảng 4,4%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 18.236 USD/người.

Quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Ô-man vẫn còn khiêm tốn. Các doanh nghiệp hai bên chưa có nhiều các cơ hội tiếp xúc với nhau. Năm 2015, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 65,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Ô-man đạt 33,4 triệu USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Ô-man đạt 32,1 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ô-man gồm: điện thoại di động và linh kiện, hàng hải sản, sản phẩm sắt thép, cà phê… Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Ô-man chủ yếu là kim loại thường khác, chất dẻo nguyên liệu, quặng và khoáng sản khác, hóa chất…

Với 82% diện tích đất nước là sa mạc, ngoài nguồn thu về dầu mỏ, Ô-man chưa sản xuất được nhiều sản phẩm  nông nghiệp, công nghiệp, hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người của Ô-man ở mức cao nên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cũng sẽ tăng. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, hải sản, sản phẩm sắt thép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng… là những mặt hàng mà phía Ô-man đang có nhu cầu trên cơ sở ổn định và lâu dài. Ngược lại, Ôman có thể cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm hóa chất, khí tự nhiên ở dạng nén hoặc hóa lỏng.

Trong chương trình công tác tại Cô-oét và Ô-man, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Cô-oét tại thủ đô Cô-oét và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ô-man tại thủ đô Muscat. Đây thực sự là những cơ hội tốt để các doanh nghiệp trực tiếp gặp gỡ, thảo luận, tiến hành giao thương, tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các đối tác Cô-oét và Ô-man nhằm thiết lập quan hệ làm ăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang những thị trường này.

Bộ Công Thương thông báo nội dung trên và trân trọng mời các doanh nghiệp quan tâm, gửi hồ sơ đăng ký tham gia bao gồm: i) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (sao y bản chính, đóng dấu đơn vị); ii) Đơn đăng ký tham gia (theo mẫu gửi kèm); iii) Quyết định cử nhân sự tham gia Chương trình của doanh nghiệp; iii) Bản photo trang có ảnh và thông tin về hộ chiếu của người tham gia Chương trình (hộ chiếu còn hạn ít nhất 06 tháng); iv) 06 ảnh 4x6 (nền trắng); v) Tiền đặt cọc thuê khách sạn và lệ phí visa là 600 USD theo địa chỉ liên hệ sau trước thứ 6, ngày 19 tháng 3 năm 2016:

Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công ThươngĐịa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội; Điện thoại: 04 22205409-Fax: 04 22205517; Người liên hệ: Ông Lê Phương: ĐTDĐ: 093 857 0086, Email: PhuongL@moit.gov.vn.

Mau-dang-ky-tham-gia-XTTM-tai-Kuwait-va-Oman-2016-4h1rY.doc

Vụ Thị trường Châu Phi Tây Nam Á

Nội dung liên quan